Phó Thủ tướng: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả đồng vốn nhà nước

18:34' - 06/12/2021
BNEWS Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc, có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tối thiểu phải đạt 95% vào cuối năm nay.

Chiều 6/12, Tổ công tác số 2 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo 6 địa phương: Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, nghe báo cáo về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 chủ trì buổi làm việc.

Tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho 6 địa phương trên là 27.463 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 19.351 tỷ đồng;

Nguồn vốn ngân sách Trung ương trong nước 4.817 tỷ đồng và nguồn vốn nước ngoài ODA là 3.295 tỷ đồng. Số vốn các địa phương đã phân bổ chi tiết 26.898 tỷ đồng, bằng 98% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo số liệu của các địa phương, tính đến 30/11, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 là 13.740 tỷ đồng, đạt 50,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm và thấp hơn bình quân cả nước (63,86%).

Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 10.361 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch; nguồn ngân sách trung ương trong nước giải ngân 2.526 tỷ đồng, đạt 52,4% kế hoạch và nguồn vốn ngoài nước (ODA) đã giải ngân 939 tỷ đồng, đạt 28,5% kế hoạch.

Hai địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch (thành phố Cần Thơ giải ngân 30,1%, Kiên Giang giải ngân 45,2% kế hoạch); Hậu Giang có mức giải ngân cao, đạt 74,4% kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, có 5 nhóm khó khăn, vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, đó là khó khăn về hoàn thiện thủ tục đầu tư; mua, nhập khẩu và vận chuyển máy móc, thiết bị; thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia; ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng; tăng giá nguyên, vật liệu trong xây dựng.

Ngoài ra, dự án gặp khó khăn khác như ảnh hưởng chung của đại dịch COVID-19; các dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch trung hạn 2021-2025, trong khi đó năm 2021 là năm bắt đầu kế hoạch 2021-2025, các địa phương bố trí khởi công nhiều dự án và triển khai dự án liên vùng, quy mô lớn nên thời gian chuẩn bị dự án đòi hỏi dài hơn;

Cơ chế thông báo vốn của địa phương đối với khoản thu từ đất theo hình thức ghi thu - ghi chi dẫn đến không phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đối với khoản thu này...

Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, giải ngân thấp chủ yếu là vốn ODA (mới đạt 15,9%), do một số dự án sử dụng nguồn vốn này phải thực hiện nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, qua nhiều bước mới phê duyệt được định mức kinh tế - kỹ thuật, bên cạnh đó có sự biến động về giá cả, phải điều chỉnh lại.

Trong khi đó, theo đại diện tỉnh Trà Vinh, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và việc áp dụng Chỉ thị 15, 16 khiến một số công trình trong vùng nguy hiểm phải tạm dừng thi công, không thể nhập được thiết bị, máy móc, cùng với việc giá nguyên, vật liệu tăng từ 20 – 40%, đặc biệt là khan hiếm cát san lấp… là những nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh quyết tâm đến hết năm 2021 sẽ giải ngân từ 95% vốn đầu tư công trở lên.

Là địa phương có số vốn giải ngân thấp nhất hiện nay (30,1%), đại diện thành phố Cần Thơ nêu nguyên nhân chủ quan như năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế, phải chỉnh sửa nhiều lần, mất thời gian; một số chủ đầu tư còn thiếu quyết liệt, chưa hiểu hết văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành;

Nhà thầu thi công còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; giá cả vật tư tăng; các giải pháp tổ chức thi công chưa quyết liệt; công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư chậm; phối hợp giữa các sở, ngành, chủ đầu tư còn chậm, trong đó có nguyên nhân giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hoàn thiện thủ tục đầu tư…

Lãnh đạo địa phương này cam kết sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp để tăng khối lượng và tăng tốc độ giải ngân vốn, nhanh chóng khởi công các hạng mục đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu, cán bộ kiểm tra, phấn đấu giải ngân đạt 70 – 71% vào cuối năm nay.

Cho rằng căn bệnh chậm giải ngân vốn đầu tư công là căn bệnh kéo dài, “chưa có thuốc để chuyển được”, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bên cạnh vướng mắc do tác động khách quan của dịch, nguyên nhân chính là do khâu tổ chức thực hiện. “Chúng ta phải chắt chiu từng đồng vốn, trong đó có cả nguồn vốn huy động và phải trả lãi, việc giải ngân chậm tác động đến sử dụng hiệu quả đồng vốn của nhà nước và tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong ba trụ cột để tăng trưởng nền kinh tế thì đầu tư là trụ cột rất quan trọng, đầu tư công mang tính dẫn dắt, nếu đầu nhiệm kỳ không quan tâm, cuối nhiệm kỳ khó đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm. Giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc, có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tối thiểu phải đạt 95% vào cuối năm nay theo quy định tại Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 theo đúng kế hoạch đã cam kết.

Không hài lòng với tỷ lệ giải ngân quá thấp của Kiên Giang và Cần Thơ, đặc biệt là thành phố Cần Thơ, khi dự kiến đến hết năm 2021 cũng chỉ đạt 70%, Phó Thủ tướng yêu cầu từng địa phương rà soát lại tổng thể danh mục các dự án năm 2021, đánh giá kỹ khả năng thực hiện từng dự án, chủ động làm việc với các nhà đầu tư yêu cầu đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai, vướng đến đâu xử lý đến đó, phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu của Nghị quyết 63.

“Giải ngân chưa đạt yêu cầu, cần đẩy nhanh tiến độ, ít nhất là 95%. Như Kiên Giang và Cần Thơ là khó chấp nhận, nếu địa phương không có giải pháp tốt hơn thì để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp cụ thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đánh giá cao 4 địa phương: Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An cam kết đạt mục tiêu giải ngân từ 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao trở lên. Đối với Kiên Giang, Cần Thơ, trong nửa tháng tới, nếu không có các giải pháp khác để đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân, lãnh đạo Chính phủ sẽ phải làm việc cụ thể với các địa phương và có thể phải điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư.

Liên quan đến kiến nghị của các địa phương cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương trong nước đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu, nếu kéo dài thêm 1 tháng cũng cần mổ xẻ sâu, có giải pháp hiệu quả, các địa phương không được giữ vốn.

Còn đối với đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngoài nước ODA năm 2021, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, các địa phương cần phấn đấu, thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân ở mức cao nhất.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các ngành, các cấp gắn việc giải ngân vốn đầu tư công với trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kiểm tra kiểm soát và thanh tra công vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục