Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khắc phục quy hoạch treo

21:08' - 09/11/2020
BNEWS Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, chiều 9/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời các câu hỏi của đại biểu.

*Bổ sung thêm máy bay trực thăng chuyên dùng cho các lực lượng cứu nạn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) và một số đại biểu khác về việc ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng nghiêm trọng, thực hiện quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.

Đây là hai cơ quan rất quan trọng, phối hợp liên ngành, vừa có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp nhưng đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai.

Ở địa phương có Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban.

Đối với ý kiến về việc có cần một đạo luật giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để chịu trách nhiệm phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, Phó Thủ tướng cho hay: Theo thống kê của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hiệp quốc, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về phòng, chống thiên tai.

Hiện nay có khoảng 10 nước thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp như Nga, Trung Quốc... Ngoài việc ứng phó thiên tai, thảm họa, cơ quan này có trách nhiệm xử lý khủng hoảng về an ninh, phòng, chống dịch bệnh trên quy mô lớn.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Mỹ, Canada và nhiều nước khác thì thành lập các cơ quan phòng, chống thiên tai quốc gia cũng tương tự như mô hình của Việt Nam.

Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất để huy động sức dân trong việc phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhau trong quá trình chịu thiệt hại do thiên tai, báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định- Phó Thủ tướng cho biết.

Nhấn mạnh Ủy ban Quốc gia, Ban Chỉ huy Ứng phó sự cố phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng tham gia công tác ứng phó là phù hợp và lực lượng quân đội và công an là nòng cốt, Phó Thủ tướng cũng cho biết: Bên cạnh đó còn có lực lượng của Bộ Giao thông Vân tải, các bộ, các cơ quan liên quan, đặc biệt là lực lượng tại chỗ, tại địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện “4 tại chỗ”.

Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn còn hạn chế, nguyên nhân là do tính chuyên nghiệp của các lực lượng này chưa được như mong muốn. Bên cạnh đó, phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai vừa thiếu, chưa hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng ta thấy rất rõ là cả phòng cháy, chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn ngoài biển - tất cả những vấn đề đó chúng ta đều đang thiếu”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thời gian tới cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn hệ thống, tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tiến hành bổ sung những bất hợp lý, chưa phù hợp và phải có lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tình cứu nạn chuyên nghiệp; có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố xảy ra; phải hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích ở cơ sở có tính chuyên nghiệp theo Nghị quyết 76 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai.

Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, sự cố, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương để công tác này được triển khai kịp thời, có hiệu quả hơn như bổ sung thêm máy bay trực thăng chuyên dùng cho các lực lượng cứu nạn. Khẩn trương xây dựng Trung tâm Điều hành quốc gia về phòng, chống thiên tai…, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.

* Quy hoạch là công cụ để quản lý quá trình phát triển bền vững

Đối với chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, Phó Thủ tướng  Trịnh Đình Dũng trả lời: Các quy hoạch xây dựng nói chung, trong đó quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, các quy hoạch khu chức năng đặc thù… đều có giai đoạn quy hoạch khoảng 10 năm hoặc hơn 10 năm, tầm nhìn khoảng từ 15 - 20 năm hoặc xa hơn.

Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng để định hướng, phân bổ không gian phát triển và đây cũng là một công cụ để quản lý quá trình phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quy hoạch treo, dự án treo vẫn xảy ra tại nhiều nơi làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.

“Nhiều nơi người dân không thể đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế do vướng quy hoạch. Muốn xây dựng lại nhà, sửa nhà cũng không làm được. Muốn phát triển một nhà hàng cũng không được. Còn quy hoạch thì không được thực hiện do Nhà nước không có nguồn lực để đầu tư. Trong khi đó thì không huy động được các nhà đầu tư vào thực hiện các khu vực đã có quy hoạch. Vì những khu vực này, quy hoạch chưa hấp dẫn và dẫn đến quy hoạch treo, tức là đất không được khai thác, sử dụng có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo là chất lượng một số quy hoạch còn thấp, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực và không cân đối được nguồn lực để thực hiện quy hoạch; quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nguồn lực.

Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn, để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.

Vấn đề nữa là do Nhà nước chưa chủ động được nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đồng thời thực hiện tái định cư để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân.

Về các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng; sau khi có quy hoạch, các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch; phải gắn việc xây dựng kế hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển thị trường bất động sản, thị trường nhà, thị trường bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản du lịch.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập, những vi phạm; tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công.

* Đảm bảo  nguồn nước ngọt là nhiệm vụ rất cấp bách

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Minh Tuấn (Đồng Tháp) về những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay: Do tác động của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, đồng thời do tác động của việc khai thác nước tại các khu vực thượng nguồn, các dòng sông, đặc biệt có liên quan đến các nước trong khu vực đã làm gia tăng hạn mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.  Năm 2020 xảy ra một đợt hạn mặn rất nặng nề ở khu vực này.

Do vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt nói chung của đất nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ rất cấp bách.

Theo Phó Thủ tướng, giải pháp khắc phục tình trạng trên là cần phải tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi vùng, mỗi miền và của mỗi địa phương. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tái cấu trúc nền kinh tế gắn với điều kiện hạn mặn, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở tái cấu trúc, tập trung rà soát các quy hoạch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các quy hoạch của các địa phương trong vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông... để điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch mới và đặc biệt là quy hoạch thủy lợi.

Cần cập nhật các quy hoạch này vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh mà theo Luật Quy hoạch mới hiện đang làm. Trong đó, phải quy hoạch các hồ chứa nước ngọt phù hợp với toàn vùng, từng địa phương, phải tổng thể vừa cung cấp nước cho sản xuất, vừa cung cấp nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt, để giảm khai thác nước ngầm.

Phải xây dựng kế hoạch được thực hiện quy hoạch dài hạn 10 năm, trung hạn 5 năm và hằng năm. Trước mắt, cần lựa chọn các dự án ưu tiên, đặc biệt là các hồ chứa nước ngọt để đầu tư trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Các địa phương, trong đó có Đồng Tháp cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch vốn ngân sách của giai đoạn tới- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục