Phòng chống cháy nổ tại phố cổ Hà Nội: "Giặc lửa" vẫn rình rập

17:41' - 02/03/2017
BNEWS Tình trạng đông đúc, chật chội tại các khu phố cổ Hà Nội luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn khó kiểm soát.
Vụ cháy lớn tại số nhà 40 phố Bát Đàn, Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Ngõ nhỏ, hẻm sâu, nhà cơi nới bằng cách xây dựng những "chuồng cọp", hạ tầng cũ nát, xuống cấp nghiêm trọng, dân cư đông đúc... thực trạng này tại khu phố cổ Hà Nội không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn mà còn gây khó khăn trong việc cứu hộ, cứu nạn dẫn đến những thảm kịch về người, tài sản nếu không may xảy ra hoả hoạn.

Vụ cháy tại ngôi nhà số 40 phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm vừa qua khiến một người tử vong là hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề cháy nổ ở khu vực này.

Ngôi nhà số 33 phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm nằm ở vị trí "vàng" nơi ngã ba phố Hàng Mã và Thuốc Bắc. Đằng sau gian hàng có biển hiệu hào nhoáng giới thiệu bán buôn, bán lẻ bóng bay, đèn lồng, cổng bóng phục vụ đám cưới tại mặt tiền ngôi nhà này là lối đi chung lên tầng trên ẩm thấp, rộng chỉ chừng hơn hai gang tay.

Ánh sáng gần như không tồn tại theo dọc cầu thang. Mùi than tổ ong ủ cháy nồng khét, len lỏi theo bề mặt những mảng tường nứt vỡ khắp 3 tầng của ngôi nhà. Mặt tiền các tầng trên của ngôi nhà là chằng chịt các khung sắt, "lô cốt", ống nước; dây điện phía cột đèn đường bên ngoài như mạng nhện bao bọc khoảng không gian chật hẹp nơi hành lang tầng hai của căn hộ.

Bà Trần Thị Vượng, chủ ngôi nhà số 33 phố Hàng Mã giải thích: Các dây điện này đều đã bị cắt điện nên người dân ở đây dùng làm dây phơi quần áo. Những ngôi nhà ở phố cổ như ngôi nhà này đều chật chội, phải cơi nới.

Khi được hỏi về nguy cơ cháy nổ rình rập, bà Vượng than thở: Nhà số 33 phố Hàng Mã có diện tích khoảng 30m2 nhưng có tới 6 gia đình chung sống. Cực chẳng đã, các gia đình đều buộc phải cơi nới thêm diện tích mà "chuồng cọp" chính là giải pháp tối ưu nhất.

Thói quen sinh hoạt như ủ bếp than tổ ong trong nhà qua đêm cùng với hệ thống đường điện ngày càng quá tải khiến nảy sinh nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng không có cách nào khác. Khi nào xảy chuyện hãy lo.

Tình trạng như nhà số 33 không phải duy nhất tại phố Hàng Mã. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã Lê Quang Huấn, trên địa bàn phường có khoảng 2 vạn dân, mật độ dân cư rất cao.

Do đặc thù địa bàn nằm ở khu phố cổ, diện tích nhà rất nhỏ, xây lâu năm, phần lớn các nhà này đều đã cải tạo, sửa chữa, nhiều nhà đã xuống cấp nên khi có sự cố công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn gặp rất nhiều rất khó khăn.

Những lo ngại của người dân trên địa bàn phường Hàng Mã cũng là lo ngại chung của hàng vạn hộ dân ở các khu phố cổ. Vụ cháy tại ngôi nhà số 40 phố Bát Đàn vừa qua khiến một người tử vong cho thấy thảm kịch khi "giặc lửa" xuất hiện. Bà Nguyễn Hoàng Vy, phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm cho hay: "Người đông, dân đông, mọi thứ quá tải đã dẫn đến những hậu quả đau lòng".

Phân tích về những bất cập cũng như nguy cơ hỏa hoạn xảy ra tại khu phố cổ Hà Nội, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy số 1 (Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thành phố Hà Nội) - đơn vị phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: Tại khu phố cổ, các công trình đã cũ nát, xuống cấp, hệ thống điện chằng chịt, ý thức người dân chưa cao nên khó tránh được hỏa hoạn.

Bên cạnh đó, tại các phố cổ còn tình trạng nhiều nhà ở sử dụng làm kho chứa hàng, cửa hàng. Xét theo quy định thì các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy đều không đạt và người dân nào cũng vi phạm, song tất cả là vấn đề lịch sử nên việc xử lý rất khó. Hiện tại cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyên, nhắc nhở nhân dân.

“Quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy đối với khu vực phố cổ rõ ràng. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý song hậu quả vẫn xảy ra thì lỗi trước tiên thuộc về ý thức của con người, nói chính xác là do chủ nhân không tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy”, Đại tá Trần Văn Vụ nói thêm.

Đại tá Trần Văn Vụ cũng cho hay: Công tác phòng cháy, chữa cháy tại những ngôi nhà nằm trong khu vực phố cổ luôn gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngôi nhà nằm quá sâu trong ngõ và việc nhà cơi nới bằng các vật liệu dễ cháy nằm san sát nhau khiến nguy cơ cháy lan khi có hoả hoạn rất cao. Bên cạnh đó, đa số nhà dân đều không có bất cứ phương tiện chữa cháy cơ động ào như bình chữa cháy xách tay...

Bởi vậy, khi đám cháy vừa xảy ra, người dân không thể dập tắt lửa, đến khi đám cháy bùng phát diện rộng thì công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn và dù có dập được lửa cũng sẽ gây nhiều thiệt hại.

"Nguy cơ cháy nổ ở khu vực phố cổ luôn rình rập, đặc biệt là tuyến phố đi bộ nằm trong phố cổ vào những ngày cuối tuần. Bởi ở những khu vực này nếu không may xảy ra hỏa hoạn vào giờ cao điểm đông người qua lại thì xe chữa cháy rất khó tiếp cận và hậu quả sẽ khôn lường.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có hơn 1.700 ngõ nhỏ, trong đó có 30 tuyến phố xe chữa cháy không thể tiếp cận.

Tiếp cận cứu hoả đã khó, đa phần các ngôi nhà cấu trúc theo hình ống, lại được cơi nới, xây dựng những “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng, ảnh hưởng đến công tác ứng cứu nếu xảy ra cháy nổ, gia tăng nguy hiểm đến người và tài sản" - Đại tá Trần Văn Vụ chỉ rõ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục