"Phòng thủ" trước thép ngoại - Bài 1: Thép ngoại tràn vào, hàng Việt bị bóp nghẹt

14:35' - 04/07/2023
BNEWS Dường như ngành thép vẫn chỉ xoay quanh ở câu chuyện "tiến công", đẩy mạnh xuất khẩu mà bỏ ngỏ "phòng thủ" trước các sản phẩm ngoại nhập.

Trong khi tiêu thụ và xuất khẩu thép của các doanh nghiệp trong nước những tháng đầu năm sụt giảm tới 20% so với cùng kỳ năm 2022 thì lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn ở mức cao. Tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), sản xuất trong nước phải bắt kịp xu thế để tăng tính cạnh tranh với hàng ngoại. Song điều đáng nói là các hàng rào kỹ thuật bảo vệ sản xuất trong nước, kiểm soát chất lượng sản phẩm còn chưa tương xứng. Dường như ngành thép vẫn chỉ xoay quanh ở câu chuyện "tiến công", đẩy mạnh xuất khẩu mà bỏ ngỏ "phòng thủ" trước các sản phẩm ngoại nhập.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép vào Việt Nam đạt hơn 5,06 triệu tấn; trong đó lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 3/2023, lượng nhập thép từ Trung Quốc tăng 146% so với tháng 3/2022.

 
VSA cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thô trong nước chỉ đạt hơn 7,5 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ 2022; tiêu thụ đạt 7,6 triệu tấn, giảm 17% so với cùng kỳ 2022.

Sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp đạt hơn 11 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt gần 10,4 triệu tấn, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, nguyên nhân lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc tăng dần qua các tháng là do nhu cầu thép chưa hồi phục bởi thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên với số nhà xây mới liên tục sụt giảm.

Do vậy, xuất khẩu thép tiếp tục là một phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản lượng dư thừa ở Trung Quốc. Dự kiến xuất khẩu thép của nước này sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2023. Điều này được cho là sẽ gây sức ép đối với ngành thép Việt Nam. Việc nhập khẩu tràn lan có thể khiến ngành thép trong nước mất cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 lao động; hàng tỷ USD phải chi ra để nhập khẩu mỗi năm, trong khi hàng trong nước không bán được.

Theo chia sẻ của đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam, tỷ lệ xuất khẩu thép từ Trung Quốc cao là do giá sản phẩm thép thấp so với các nước xuất khẩu khác, cũng như nhu cầu trong nước thấp buộc các nhà sản xuất trong nước phải xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Khối lượng thép chủ yếu được xuất khẩu sang các khu vực không có rào cản thương mại, bao gồm Đông Nam Á, Trung Đông, Nam Á, Trung Mỹ...

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho hay, ngay sau quý I/2023 trở đi, thị trường quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

Nguyên nhân tác động chính của việc sụt giảm trong ngành thép thời gian qua có 2 vấn đề quan trọng: ảnh hưởng mạnh từ thị trường bất động sản đóng băng và xuất khẩu gặp khó. Cùng đó, giá bán các sản phẩm thép cũng giảm sâu, trên 10% so với giai đoạn đầu năm. Những yếu tố bất lợi trên đã khiến cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép gặp khó, thua lỗ, nhiều doanh nghiệp còn phải dừng luân phiên và sản xuất cầm chừng.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Trung Quốc, trong tháng 1/2023 đến tháng 5/2023, các công ty thép Trung Quốc đã tăng xuất khẩu sản phẩm thép thêm 40,9% so với cùng kỳ năm 2022 – lên 36,37 triệu tấn. Xuất khẩu thép của nước này trong tháng 5 đạt 8,4 triệu tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 9/2016. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, lượng thép xuất khẩu của nước này tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cùng với giá thép rẻ dấy lên lo ngại giá thép toàn cầu chịu áp lực, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Điều đáng nói ở đây là trong khi sự xâm nhập các sản phẩm thép từ nước ngoài do kinh tế giảm tốc và dư thừa hàng hóa sản phẩm thì câu chuyện về bảo hộ trong ngành thép lại được đặt ra. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam còn bỏ ngỏ trong giải quyết các vấn đề liên quan thiết lập rào cản thương mại.

Các rào cản thương mại của Việt Nam không chỉ riêng với ngành thép mà ở ngành gạch, hạt điều, gia cầm… cũng đang là câu chuyện cần được lưu tâm. Ông Trần Tuấn Đại, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ cho rằng, hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Chỉ cần sản phẩm mẫu này đạt yêu cầu là có thể nhập khẩu. Do vậy, cần thiết phải lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng, bảo vệ thị trường trong nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cũng nhận định, việc thiết lập rào cản thương mại và hàng rào kỹ thuật chiếm vị trí quan trọng trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Bởi đây là công cụ ngoài việc giúp sức cho nền sản xuất trong nước, nâng chất lượng sản phẩm cũng khiến Việt Nam nhận được nhiều lợi thế trong tương lai khi xuất khẩu. 

Gia nhập nhiều FTA, đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh gia tăng không chỉ với các sản phẩm xuất khẩu mà ngay đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu thụ nội địa. Nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt "hàng Việt Nam" để lẩn tránh quy tắc xuất xứ và thu lợi từ các FTA, lẩn tránh các biện pháp áp thuế  đang gia tăng. Điều này đem lại nhiều rủi ro khiến Việt Nam có thể rơi vào "bẫy" bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế chống phá giá, nếu thiếu các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tình hình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục