Phụ huynh phản ứng về khoản thu xã hội hóa đầu năm học

08:23' - 23/08/2018
BNEWS Lại một lần nữa, nhiều phụ huynh học sinh ở Hải Phòng phản ứng về khoản thu xã hội hóa đầu năm học tại 2 trường tiểu học thuộc quận Lê Chân và quận Hồng Bàng

“Đến hẹn lại lên”, việc ủng hộ vẫn phải ủng hộ, việc lên tiếng vẫn lên tiếng. Nhưng những lá thư kêu gọi tài trợ, ủng hộ cho cơ sở giáo dục trong hoạt động giảng dạy đã trở thành nỗi "ám ảnh" với không ít phụ huynh.

Bà Phạm Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân đã gửi thư kêu gọi về việc tài trợ, ủng hộ cho cơ sở giáo dục trong hoạt động dạy và học với 3 hạng mục gồm: Mua mới và sửa chữa bàn ghế học sinh, dự toán hơn 256 triệu đồng, lắp camera cho các lớp bán trú 265 triệu đồng và sửa chữa khu bếp ăn bán trú và các phòng chức năng là 450 triệu đồng. Tổng kinh phí dự toán gần 1 tỷ đồng.

Còn tại trường tiểu học Ngô Gia Tự, quận Hồng Bàng, một phụ huynh phản ánh, khoản đóng quỹ xã hội hóa đầu năm của con họ là 5 triệu đồng/1 học sinh. Sau khi có phản ứng từ một số cha mẹ học sinh, lớp đã biểu quyết thành 2 mức đóng 5 triệu hoặc 3 triệu đồng nhưng chỉ có 19/48 ý kiến đồng ý mức 5 triệu đồng, số còn lại đồng ý đóng 3 triệu đồng, song bị bác bỏ với lý do số tiền đó không đủ để đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường.

Sau khi thông tin được chia sẻ, nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc với mức chi không phù hợp. Có phụ huynh lý giải, đã thành thông lệ bất thành văn, học sinh cứ vào lớp 1 là sẽ phải đóng một khoản quỹ "xã hội hóa" dành cho việc mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất. Tùy vào quy mô, danh tiếng của ngôi trường, số tiền "xã hội hóa" sẽ được đóng khác nhau, có trường là vài trăm nghìn, nhưng cũng có trường lên tới cả chục triệu đồng.

Tiền đóng này không có hóa đơn, không có chứng từ ngoại trừ chữ ký xác nhận của phụ huynh học sinh vào một quyển sổ của nhà trường. Số tiền sẽ được đầu tư vào việc gì, chi như thế nào, phụ huynh học sinh hoàn toàn không biết hoặc chỉ biết qua thông báo của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Năm nào cũng thu, năm nào cũng sửa, như vậy trang thiết bị của nhà trường nhanh hỏng hóc đến thế?

Với trường hợp cụ thể như Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố, chỉ tính riêng số tiền huy động lắp camera cho các lớp bán trú 265 triệu đồng, nếu tính theo giá bán trên thị trường, có thể mua được ít nhất hàng trăm chiếc camera giám sát. Trong khi đó, Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố có được bao nhiêu lớp bán trú? Một mức chi hoàn toàn vô lý.

Sau khi sự việc được phản ánh trên mạng xã hội, bà Phạm Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Tố khẳng định, đây mới chỉ là kế hoạch sau khi nhà trường cùng chi hội phụ huynh đi khảo sát và viết thư ngỏ kêu gọi tài trợ tự nguyện chứ không ép buộc. Đến thời điểm này, nhà trường chưa thu bất kỳ khoản nào...

Ủy ban nhân dân quận Lê Chân đã vào cuộc xử lý bước đầu vụ việc này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không đồng tình với phát biểu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lê Chân Phạm Tiến Du "Thời điểm vận động xin hỗ trợ vào đầu năm học mới của trường Nguyễn Văn Tố là chưa hợp lý, dễ gây hiểu nhầm". Phụ huynh cho rằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố Phạm Thị Minh Châu đã cố tình thực hiện sai quy định của nhà nước, mượn danh nghĩa ­­"tự nguyện" để thu tiền học sinh, phụ huynh.

Trong năm học 2017- 2018, cơ quan chức năng ở Hải Phòng đã xử lý hai vụ việc lạm thu tại trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Thủy Nguyên và Trường tiểu học xã Đặng Cương, huyện An Dương với số tiền thu đầu năm lên tới chục triệu đồng. Người đứng đầu của 2 ngôi trường đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chung về giáo dục trên phạm vi toàn quốc theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, hàng năm, trong Chỉ thị đầu năm học mới và các văn bản chỉ đạo liên quan khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương phải thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục phải tuân thủ theo đúng quy định, tránh để tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh học sinh và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.

Trước khi bước vào năm học mới 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có Công văn số 1029/BGDĐT-KHTC ngày 19/3/2018 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2018 - 2019, trong đó đã quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, không thu các khoản thu trái quy định... Thế nhưng, các hoạt động "biến tướng" để thu tiền của học sinh, phụ huynh với danh nghĩa ­­"tự nguyện" vẫn cứ lặp lại ở đất Cảng./.

>>>Thu hồi tiền lạm thu, trả lại cho phụ huynh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục