Phú Yên gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư

17:44' - 18/12/2021
BNEWS Ngày 18/12, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư".

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nhấn mạnh, Phú Yên có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, bằng nhiều nỗ lực, những năm gần đây tỉnh đã mời gọi, thu hút đươc nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án, nhằm góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thu hút đầu tư khi triển khai dự án chưa được giải quyết dứt điểm khiến cho một số dự án đang triển khai chậm tiến độ, các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào tỉnh còn ngần ngại chưa quyết tâm bỏ vốn đầu tư tại tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nêu trên đến từ việc các quy định của pháp luật về đầu tư còn chồng chéo, chưa sát với thực tế, chưa điều chỉnh kịp các mối quan hệ phát sinh trong quá trình đầu tư.

Bên cạnh đó, vẫn còn các vướng mắc liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, kể cả rừng phòng hộ ven biển.

Theo ông Trần Hữu Thế, hội thảo thể hiện quyết tâm của Phú Yên trong việc gỡ vướng về pháp lý tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trên địa bàn.

Đây cũng là dịp để tỉnh lắng nghe các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp, lợi ích của nhà nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, phân tích, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư tại tỉnh xoay quanh ba lĩnh vực gồm: vướng mắc trong thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích rừng kể cả rừng phòng hộ ven biển để thực hiện dự án và những vướng mắc khi đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, hiện dự án nhóm A mới có thể tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Còn nhóm B và C thuộc thẩm quyền địa phương, thủ tục điều tra, đo đạc kéo dài, một số dự án có lịch sử nguồn gốc đất phức tạp dẫn đến việc bồi thường khó khăn, kéo dài.

Đây là nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ tại Phú Yên. Để thu hút đầu tư thuận lợi, cần có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề đất đai, khơi thông nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm trong bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, Tp. Hồ Chí Minh đã tách giải phóng mặt bằng ra khỏi sự án đầu tư được 13 năm nay sau khi xin chủ trương của chính Phủ.

"Bồi thường hỗ trợ tái định cư liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành và cuộc sống người dân. Để thực hiện được việc này cơ quan nhà nước phải đảm bảo đủ 6 điều kiện, có kế hoạch rõ ràng. Việc đền bù giải phóng mặt bằng không chỉ phát triển dự án mà còn tạo điều kiện để ổn định cuộc sống người dân sau khi nhận đền bù", ông Trần Minh Thơ chia sẻ.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chậm trễ trong đền bù giải phóng mặt bằng là cản trở lớn nhất trong đầu tư, xây dựng khiến nhà đầu tư mất cơ hội kinh doanh, mất vốn, khiến nền kinh tế chậm phát triển, gây mâu thuẫn giữa người dân và cơ quan chức năng, nhà đầu tư.

Tách bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư thành một dự án song song với đầu tư xây dựng sẽ giải quyết hiệu quả điểm nghẽn trong đầu tư. Ngoài ra, cần phải sửa đổi lại những bất cập cơ chế, giá đất trong luật đất đai hiện tại mới có thể tháo gỡ những khó khăn, thu hút hiệu quả các dự án đầu tư.

Về khó khăn trong thuê đất, đầu tư tại các cụm công nghiệp tại Phú Yên. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần nhận diện lại cụm công nghiệp là gì, giá trị, vai trò và mục đích của cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó mới đưa ra kế hoạch, xây dựng khung pháp lý để phát triển.

Thực tế cho thấy, cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền huyện, xã nhằm giải quyết tổ chức lại sản xuất, kinh tế tại nông thôn. Chính vì vậy, luật yêu cầu phải có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rồi cho thuê lại là khó khả thi.

Hiện vốn nhà nước đầu tư vào cụm công nghiệp còn rất ít, các quy định còn chưa rõ và không hợp với thực tế. Khi chưa có hạ tầng, doanh nghiệp không thể thuê đất để sản xuất được, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục