PNJ thu lợi nhuận chính từ lĩnh vực nào?

10:43' - 10/01/2020
BNEWS Nếu vận dụng tốt những nguồn lực và lợi thế sẵn có, PNJ có thể trở lại mặt bằng tăng trưởng cao trên mức 25% như giai đoạn 2015-2018 trước đó.
Bán lẻ vàng trang sức đóng góp lớn trong tổng doanh thu của PNJ. Ảnh: TTXVN
Đó là nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán APG (APG) với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). 
APG cho biết, theo chia sẻ của ban lãnh đạo Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE), năm 2019, doanh thu của PNJ ước tính đạt 17.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.180 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng lợi nhuận so với năm 2018 đạt mức 23%.
Theo báo cáo PNJ công bố tháng 11/2019, doanh thu thuần của PNJ đạt 1.677 tỷ đồng, tăng 411 tỷ đồng (tương đương 32%) so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tháng 11 cũng tăng 60% lên 136 tỷ đồng.
Mảng bán lẻ trang sức đóng góp lớn nhất vào doanh thu với tỉ trọng 57,2%, theo sau là bán buôn với 21,6%, vàng miếng 15,7%.
Lũy kế 11 tháng 2019, PNJ đạt doanh thu thuần 15.072 tỷ đồng, tăng 1.942 tỷ đồng, tương đương 15% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 21%. Sau 11 tháng, công ty đã thực hiện 83% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Theo PNJ, đóng góp chính cho sự tăng trưởng kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2019 là việc doanh thu kênh bán lẻ tăng 34% còn doanh thu kênh bán sỉ cũng tăng 10% so với cùng kỳ.
PNJ liên tiếp cải thiện biên lợi nhuận gộp lên mức 20,8% sau 11 tháng năm 2019, cao hơn mức 19% của cùng kỳ năm 2018, do tập trung vào phân khúc bán lẻ vàng trang sức vốn có biên lợi nhuận cao hơn. PNJ là doanh nghiệp bán lẻ trang sức hiện sở hữu 353 cửa hàng tại các thành phố lớn.
Thực tế, thị trường vàng trang sức đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác. Dẫn báo cáo từ Hãng nghiên cứu thị trường Statista, Công ty cổ phần Chứng khoán APG cho biết, thị trường trang sức nội địa đạt tổng dung lượng 95 tỷ USD doanh thu, bước vào giai đoạn tăng trưởng dài hạn với tốc độ không cao nhưng ổn định.
Dự báo thị trường này đạt mức xấp xỉ 130 tỷ USD cho năm 2023, tương ứng tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) giai đoạn sắp tới ở mức 6 -7%. Đồng thời, đây là ngành nghề hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng hiện đại cũng như thu nhập bình quân đầu người liên tục cải thiện trong tương lai.
Bên cạnh đó, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), quy mô thị trường trang sức Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với một số nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Trong năm 2019, doanh thu trang sức tại Việt Nam chỉ bằng 0,2% so với Trung Quốc và bằng 7% so với Ấn Độ do thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp so với khu vực và trên thế giới.
Thị trường trang sức Việt Nam được đánh giá là phân mảnh cao với khoảng 73% thị phần thuộc các cửa hàng nhỏ lẻ.
Các thương hiệu lớn như Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Doji… cũng chỉ chiếm hơn 20% thị phần còn lại.
Do thị trường phân mảnh cao nên số liệu của các cửa hàng nhỏ lẻ trong nước khó xác định. Điều này đã và đang làm khó cho các hoạt động kinh doanh của các thương hiệu lớn vì cạnh tranh về giá bán rất lớn.
Tuy nhiên, Thông tư 22/2013/TTBKHCN (Thông tư 22) của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn chiếm dần thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ. Điển hình là doanh thu bán lẻ trang sức của PNJ tăng mạnh kể từ khi Thông tư 22 có hiệu lực.
Trang sức phổ biến nhất vẫn là vàng trang sức, phân khúc này chiếm khoảng từ 70% - 80% trong cơ cấu doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trang sức tại Việt Nam.
Dù vậy, nhóm phân tích tới từ PHS cho rằng, PNJ có thể gặp phải những rủi ro từ bất ổn của giá vàng nguyên liệu.
Thực tế, những diễn biến bất ổn của kinh tế thế giới đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh trong năm 2019. Đến những phiên đầu năm 2020, giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh mẽ. Giá vàng thế giới dù giảm trở lại trong 1 vài phiên gần đây nhưng vẫn ở mức cao.
Phiên giao dịch chiều 9/1, giá vàng châu Á giảm gần 1%, sau khi kim loại quý này tăng lên gần mức cao nhất 7 năm trong phiên trước đó, trong bối cảnh tình hình leo thang căng thẳng Mỹ-Iran giảm bớt.
Vào lúc 15 giờ 12 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ở mức 1.545,47 USD/ounce, sau khi có lúc giảm xuống 1.539,78 USD/ounce trong phiên này. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,9% xuống 1.546,50 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng tăng liên tục khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản an toàn như vàng.
Ngoài ra, theo báo cáo “Triển vọng thị trường hàng hóa năm 2020”, Ngân hàng ING Bank (Hà Lan) nhận định, giá vàng sẽ vẫn được hỗ trợ trong suốt năm 2020 vì vẫn tồn tại những bất ổn xung quanh các tranh chấp thương mại và tăng trưởng toàn cầu.
Báo cáo của ING Bank cho biết, trong quý I/2020, giá vàng dự kiến ở quanh mức 1.500 USD/ounce. Sau đó, giá kim loại quý này sẽ giảm xuống còn 1.470 USD/ounce trong quý II và quý III trước khi tăng lên 1.480 USD/ounce trong quý IV. Tính chung cả năm 2020, ING Bank dự báo giá vàng sẽ ở mức trung bình là 1.475 USD/ounce.
Việc giá vàng bứt phá mạnh từ đầu năm tới quý III sẽ là tin vui với các doanh nghiệp có dự trữ tồn kho cao như PNJ khi khối tài sản này tăng giá. Tại thời điểm cuối quý III/2019, giá trị hàng tồn kho của PNJ lên tới 5.892 tỷ đồng. Giá vàng tăng mạnh sẽ dẫn tới giá bán trang sức PNJ tăng theo, trong khi giá vốn khá thấp, qua đó giúp lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng nhận định, nếu giá vàng tiếp tục leo cao cũng khiến giá trang sức tăng theo và điều này có thể khiến nhu cầu mua trang sức giảm xuống. Bên cạnh đó, PNJ sẽ khá bất lợi nếu thực hiện mua hàng tồn kho với giá cao và biên lợi nhuận khó có thể duy trì ở mức tăng đột biến.
Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán APG thì cho rằng, hàng hóa xa xỉ như trang sức sẽ chịu ảnh hưởng mang tính chu kỳ khi niềm tin tiêu dùng đi xuống, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của PNJ.
Bên cạnh đó, PNJ luôn duy trì mức định giá P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) khá cao phản ánh tăng trưởng ở mức trên 20% hàng năm và hàng quý. Do vậy, khi có rủi ro trong các kế hoạch mở rộng của doanh nghiệp khiến con số tăng trưởng chậm lại, thị trường có thể đánh giá lại mức định giá P/E về các vùng thấp hơn.
Trên thị trường chứng khoán, PNJ đang giao dịch tại mức P/E là 17,87 lần. Cổ phiếu PNJ kết thúc phiên giao dịch ngày 9/1 ở mức giá 86.200 đồng/cổ phiếu. Trong vòng 1 năm qua, PNJ tăng giá trên 27%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục