PV Drilling cung cấp giàn khoan tự nâng cho Hoàng Long JOC và Thăng Long JOC

14:27' - 30/06/2024
BNEWS PV Drilling, mã chứng khoán PVD sẽ cung cấp giàn khoan tự nâng Thor cho các chiến dịch khoan dầu khí của Hoàng Long JOC và Thăng Long JOC từ quý III tới.
Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) sẽ cung cấp giàn khoan tự nâng Thor cho các chiến dịch khoan dầu khí của Công ty Điều hành chung Hoàng Long (Hoàng Long JOC) và Công ty Điều hành chung Thăng Long (Thăng Long JOC) từ quý III tới.

Theo PV Drilling, hiện toàn bộ 5 giàn khoan biển (4 giàn khoan tự nâng và 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD) của Tổng Công ty đều có hợp đồng dài hạn tại nước ngoài dẫn đến tình trạng thiếu hụt giàn khoan tự nâng cho nhu cầu khoan trong nước đang tăng trưởng trở lại.

Do đó, PV Drilling đã thuê lại giàn khoan tự nâng Thor của nhà thầu khoan quốc tế Borr Drilling để cung cấp cho Hoàng Long JOC và Thăng Long JOC. Đây là giàn khoan tự nâng thế hệ mới do Keppel Fels đóng, phiên bản Super B Class, sản xuất năm 2019, giàn có thể khoan đến 10.000 m ở mức nước sâu tối đa 120m.

PV Drilling cho biết chương trình khoan cho Hoàng Long JOC dự kiến bắt đầu vào tuần thứ 3 của tháng 8/2024 với thời gian khoan ước tính là 70 ngày, cho hai giếng khoan phát triển tại Mỏ Tê Giác Trắng thuộc bồn trũng Cửu Long.

Cùng đó, giàn khoan tự nâng Thor cũng sẽ cung cấp dịch vụ khoan cho Thăng Long JOC dự kiến 51 ngày cho hai giếng khoan ngoài khơi Việt Nam, gồm một giếng khoan mới với thời gian khoảng 31 ngày sẽ được thi công trước chương trình khoan của Hoàng Long JOC; và sửa một giếng hiện hữu khoảng 20 ngày sẽ được tiến hành sau chương trình khoan của Hoàng Long JOC. Phần công việc của Thăng Long JOC được thực hiện trên cơ sở Thỏa thuận chia sẻ giàn khoan sẽ được các bên ký kết.

Bên cạnh phát triển mạnh thị phần ở nước ngoài, PV Drilling đang khẩn trương triển khai kế hoạch đầu tư giàn khoan mới để cung cấp cho thị trường nội địa đang nóng trở lại; đồng thời chú trọng công nghệ mới, ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào các giàn khoan để nâng cao hiệu quả, giảm giá thành và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.

Theo Tổng Giám đốc PV Drilling Nguyễn Xuân Cường, ngày 28/3/2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn, dự kiến bắt đầu khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026.  Việc ký kết này đã mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho các đơn vị dịch vụ, trong đó có PV Drilling.

Theo kế hoạch, giai đoạn đầu tiên của Dự án Lô B sẽ khoan khoảng hơn 80 giếng từ năm 2025-2026 với nhu cầu 2 giàn khoan tự nâng. Trong các giai đoạn sau, các giếng khai thác bổ sung, khoảng 911 giếng sẽ cần khoan từ khi cho dòng khí đầu tiên cho đến khi kết thúc vòng đời dự án. Vì vậy, dự án này sẽ bảo đảm nguồn việc dài hạn cho giàn khoan và kỹ thuật giếng khoan của PV Drilling tại thị trường trong nước.

Với chiến lược “tiếp tục vươn ra nước ngoài”, hiện tất cả giàn khoan sở hữu của PV Drilling đang cung cấp dịch vụ ở nước ngoài với các hợp đồng dài hạn, trong đó có hợp đồng kéo dài tới năm 2028. Vì vậy, PV Drilling đang triển khai đầu tư thêm giàn khoan và các máy móc thiết bị chuyên dụng, kịp thời phục vụ cho nhu cầu của thị trường, đặc biệt là siêu Dự án Lô B - Ô Môn.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, nguồn cung giàn khoan trên toàn cầu tiếp tục bị “thắt chặt” và có thể tiếp tục thiếu hụt trong vài năm tới. Hiệu suất sử dụng của các giàn khoan tự nâng loại IC 350+ trong 5 tháng đầu năm 2024 trên toàn cầu đã gần tiệm cận với mức 92,9% của năm 2014 - đỉnh của chu kỳ dầu khí gần nhất. Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng đóng mới giàn khoan/tổng số giàn khoan đang hoạt động chỉ chiếm 3,9%, thấp hơn rất nhiều so với mức 31,1% của năm 2014.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục