PV GAS khó trong ngắn hạn, kỳ vọng ở dài hạn

16:28' - 25/11/2020
BNEWS Giá dầu chững lại và nhu cầu khí cho phát điện giảm có tác động tiêu cực kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS - mã chứng khoán: GAS).
Dù vậy, PV GAS vẫn quyết liệt triển khai các dự án, với kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.

*Kết quả kinh doanh đi xuống

Theo báo cáo từ PV GAS, doanh thu và lợi nhuận ròng quý III/2020 của doanh nghiệp lần lượt đạt 15.937 tỷ đồng và 2.068 tỷ đồng, bằng 84% và 71% so với cùng kỳ 2019.

Lũy kế 9 tháng năm 2020, công ty đạt doanh thu 48.625 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 6.247 tỷ đồng, bằng 84% và 69% cùng kỳ năm trước, hoàn thành 73% kế hoạch doanh thu và 94% kế hoạch lợi nhuận.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, doanh thu và lợi nhuận giảm là do sản lượng khí khô giảm 12% so với cùng kỳ và giá dầu giảm 42% so với cùng kỳ đối với dầu nhiên liệu, giảm 37% so với cùng kỳ đối với dầu Brent và 10% đối với LPG.

Giá cơ sở xác định giá bán khí thành phẩm của PV GAS biến động theo giá dầu Brent. Do vậy, biến động giá dầu Brent tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của PV GAS

Trong khi đó, việc huy động thấp từ nhà máy điện khí do các nhà máy điện khí phải cạnh tranh từ sự hoạt động hiệu quả của nhà máy thủy điện. Điều này khiến sản lượng khí khô được bán cho các nhà máy điện trong 9 tháng năm 2020 giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo PV GAS cho biết, sản lượng khí khô trong năm 2020 ước tính chỉ ở mức 9 tỷ m3, trong khi mục tiêu đặt ra cho năm nay là 9,2 tỷ m3.

Ban lãnh đạo PV GAS cũng nhận định năm 2020, doanh thu thuần của công ty ước đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, giảm 34,6% so với năm ngoái.

Trong ngắn hạn, các nhà phân tích từ SSI nhận thấy có ít yếu tố tích cực tác động đến giá cổ phiếu, do kỳ vọng lợi nhuận quý IV/2020 tiếp tục giảm nếu giá dầu Brent chỉ duy trì ở mức 40 USD/thùng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, GAS có giá 82.700 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 12,5% kể từ đầu năm.

*Kỳ vọng từ các dự án mới

Tính đến 16/11/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cổ đông lớn chiếm trên 95% cổ phần. PVN có vai trò hỗ trợ vận hành, đưa ra các chính sách về giá khí nguyên liệu và khí thành phẩm, giám sát hoạt động kinh doanh của PV GAS.

Về kế hoạch thoái vốn của PVN tại PV GAS, trước đây Chính phủ cho phép PVN giảm tỷ lệ sở hữu tại PV GAS từ 95,8% về 65% trước năm 2020. Nhưng đến nay, PVN chưa có lộ trình và phương án thoái vốn cụ thể. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS, PV GAS đang là doanh nghiệp cung cấp khí LPG lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 65% thị phần bán buôn và khoảng 30% thị phần bán lẻ LPG nội địa.

Nguồn cung khí LPG của PV GAS đến từ tự sản xuất, thu mua từ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) và nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)…; trong đó, tỷ trọng sản xuất chiếm khoảng 20 - 25% tổng sản lượng LPG tiêu thụ hàng năm, đến từ nhà máy Dinh Cố và nhà máy Cà Mau. PV GAS mua khí LPG từ BSR và nhập khẩu theo giá thị trường là giá công bố hàng tháng của công ty Saudi Aramco (Saudi Arabia).

Khoảng 85% sản lượng khí LPG thành phẩm của GAS được bán buôn cho các khách hàng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh - Saigon Petro, Elf Gas, Shell Gas…, bao gồm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu dưới hình thức vận chuyển xe bồn, tàu đến kho chứa khách hàng.

Còn lại 15% sản lượng  bán lẻ dưới hình thức đóng bình khí LPG 12kg và 45 kg, phân phối thông qua 2 công ty con và công ty liên kết là Công ty cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam (PV GAS LPG) và Công ty cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (PVGas South).

PV GAS tham gia bán lẻ khí LPG từ năm 2016, đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng và phân phối bình khí LPG tại hơn 3.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Giá bán khí LPG của PV GAS dựa trên giá thị trường do công ty Saudi Aramco công bố hàng tháng cộng thêm phần bù do PV GAS và khách hàng đàm phán.

Giá LNG giao ngay giảm từ 5-6 USD/triệu BTU trong quý I xuống còn từ 2-3 USD/triệu BTU trong quý III khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường LNG vốn đang suy yếu. VCSC dự báo giá LNG ở mức khoảng 6,5-7,2 USD/triệu BTU trong giai đoạn 2021-2025.

Mức giá này theo VCSC là cạnh tranh so với giá khí tự nhiên từ các mỏ khí mới trong nước tại Việt Nam, điều này sẽ giúp thúc đẩy tiến độ của các dự án LNG và đem lại lợi ích cho PV GAS.

Theo Ban lãnh đạo PV GAS, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ đúng tiến độ của dự án Sao Vàng-Đại Nguyệt. Sản lượng từ dự án này có thể đạt 100 triệu m3 trong giai đoạn tháng 11 và tháng 12.

Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 đang được thực hiện ở những khâu cuối cùng, công ty dự kiến sẽ khai thác khí vào giữa tháng 12/2020.

Dự án LNG Thị Vải cũng đang được triển khai quyết liệt, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2022, vượt tiến độ khoảng 2 tháng để chuẩn bị đồng bộ với dự án Điện khí Nhơn Trạch 3-4 của Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam – PV Power.

Các dự án LNG tại tỉnh Bình Thuận, tỉnh Long An và thành phố Hải Phòng cũng đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý để sớm thực hiện triển khai trong các năm 2021-2024.

Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS dự báo năm 2021, sản lượng khí kinh doanh của PV GAS có thể đạt 10,2 tỷ m3, tăng 10% nhờ nguồn khí bổ sung thêm từ mỏ Sao Vàng-Đại Nguyệt và nhu cầu sử dụng khí tăng thêm cho sản xuất điện, sẽ thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận gộp (LNG) riêng mảng kinh doanh khí tăng lần lượt 12% và 42% cùng kỳ 2020.

Với việc triển khai hàng loạt dự án, PV GAS đang phải huy động nguồn vốn rất lớn. Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, PV GAS đang bước vào chu kỳ đầu tư mới, với tổng vốn là 3,9 tỷ USD cho 4 dự án lớn.

Tuy nhiên, SSI tin rằng GAS đã chuẩn bị tốt cho các dự án lớn này với bảng cân đối kế toán mạnh; trong đó, số dư tiền mặt ròng là 1 tỷ USD vào cuối quý III/2020 và 1,2 tỷ USD từ quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận giữ lại.

Dựa trên kịch bản giá dầu Brent trung bình đạt mức 45 USD/thùng, SSI nhận định doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2021 của PV GAS đạt mức 71.890 tỷ đồng và 11.250 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 33% so với năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục