PV Power hợp tác với Hàn Quốc để phát triển trạm sạc xe điện tại Việt Nam

16:57' - 07/09/2024
BNEWS Trong năm 2024, PV Power thí điểm đặt trạm sạc đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang hợp tác với đối tác Hàn Quốc là EN Technologies Inc. trong nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Trong năm 2024, PV Power thí điểm đặt trạm sạc đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Diện tích đặt trạm khoảng 30 - 35 m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 2 cổng sạc với công suất 50 - 60 kW/cổng sạc, tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng, tổng công suất sử dụng 100 -120 kW.

Dự kiến trạm sạc này sẽ đi vào hoạt động trong tháng 9 này. Sau khi trạm sạc số 6 Huỳnh Thúc Kháng đi vào hoạt động, PV Power tiếp tục triển khai thí điểm thêm 2 trạm sạc nữa tại 222 đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (Big C Thăng Long).

Theo kế hoạch, sau 2 năm thí điểm, PV Power sẽ đánh giá lại hiệu quả dự án, sau đó sẽ phát triển đồng bộ trên toàn quốc nhằm phát triển thêm 1.000 trạm sạc đến năm 2035. Đây cũng là bước đi của PV Power phù hợp với định hướng chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam.

Cũng theo PV Power, hiện việc đầu tư phát triển trạm sạc xe điện vẫn nhiều thách thức. Cụ thể, chi phí đầu tư ban đầu xây trạm sạc ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng/trạm nhưng việc thu hồi vốn có thể kéo dài nếu doanh thu không đạt như dự kiến. Trong khi đó, doanh nghiệp thường phải đi vay đến 70% vốn, ít có doanh nghiệp nào có sẵn tiền để đầu tư, đặc biệt đối với những lĩnh vực mới như trạm sạc, thì mức độ rủi ro càng cao.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hồ sơ dự án, như thỏa thuận đấu nối còn nhiều thủ tục phức tạp; việc tìm vị trí đặt trạm sạc và công suất trạm sạc phụ thuộc nhiều vào sơ đồ tải của nguồn điện, không phải chỗ nào cũng đủ công suất để lắp đặt. Ngoài ra, việc phát triển hệ thống trạm đáp ứng nhu cầu sạc điện cho tất cả các loại xe điện có chuẩn sạc khác nhau cũng là một thách thức.

Vì vậy, để phát triển trạm sạc xe điện đồng bộ, hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng chính sách, pháp lý tổng thể và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… Bên cạnh đó, việc sớm xây dựng cơ chế giá điện cho trạm sạc sẽ không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn khuyến khích người dân sử dụng xe điện thay vì xe chạy xăng dầu.

Ngoài ra, việc nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện, nguồn cung điện để trạm sạc hoạt động…cũng là giải pháp để thúc đẩy đầu tư hệ thống trạm sạc quy mô trên toàn quốc, đại diện PV Power cho biết.

EN Technologies Inc. được thành lập vào năm 2003 với sự góp vốn của Samsung SDI và LG Electronics. EN Technologies Inc. hoạt động trong lĩnh vực điện tử công suất và thiết bị đóng cắt điện. Công ty là công ty thứ ba có thể sản xuất và cung cấp nguồn điện plasma bên cạnh những doanh nghiệp Hoa Kỳ và Đức. Gần đây, EN Technologies Inc. mở rộng hoạt động kinh doanh sang bộ sạc ESS và pin xe điện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục