PVCFC tập trung phát triển thị trường, hệ thống phân phối

17:37' - 17/07/2022
BNEWS Để ứng phó với những khó khăn thách thức, PVCFC đã có những dự báo, đánh giá, cập nhật vào mục tiêu kế hoạch, điều hành sản xuất kinh doanh cụ thể trong những tháng còn lại năm 2022.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là đảm bảo Nhà máy Đạm Cà Mau được vận hành hiệu quả, an toàn, ổn định, tối ưu công suất đối với các loại sản phẩm hiện tại.

 

PVCFC chuẩn bị tốt công tác bảo dưỡng tổng thể nhà máy, đảm bảo duy trì nguồn cung sản phẩm thị trường trong nước trong thời gian bảo dưỡng.

PVCFC cũng sẽ tập trung phát triển thị trường, hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết về NPK Cà Mau tại các thị trường mục tiêu, đặc biệt phát triển hiệu quả ở thị trường Tây Nam Bộ; đưa sản phẩm phân bón hữu cơ xâm nhập thị trường mục tiêu; hoàn thiện hệ thống quản trị, tăng sức cạnh tranh và giá trị thị trường của Phân bón Cà Mau.

Theo dự báo trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVCFC vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là giá tất cả hàng hóa sẽ tăng lên và sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm và chịu tác động nặng nề.

Tình hình chiến sự Nga - Ukraine cùng các chính sách trừng phạt kinh tế, cấm vận cũng sẽ tiếp tục đẩy giá dầu, giá năng lượng lên cao làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất, trong đó có sản xuất phân bón.

Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu dự báo sẽ gây ra những tác động không thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá nông sản chưa được cải thiện nhiều trong khi chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao khiến bà con nông dân có thể giảm canh tác. Tình trạng phân bón giả, phân bón kén chất lượng có thể phức tạp hơn khi giá phân bón tăng cao.

Trong 6 tháng đầu năm, PVCFC đã sản xuất ure quy đổi đạt hơn 474 nghìn tấn, vượt 5% kế hoạch và tăng 4% so cùng kỳ năm 2021.

PVCFC cũng đưa ra thị trường tiêu thụ ure ước đạt hơn 432 nghìn tấn, vượt 15% so với kế hoạch và tăng 3% so cùng kỳ năm 2021.

Với việc sản xuất và tiêu thụ đều vượt chỉ tiêu, tổng doanh thu 6 tháng qua của PVCFC ước đạt hơn 8.247 tỷ đồng, vượt 82% so với kế hoạch và tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt gần 298 tỷ đồng, bằng 440% kế hoạch năm 2022.

Theo PVCFC, theo cơ chế quản lý doanh nghiệp, PVCFC phải xây dựng giá bán theo giá bình quân của 4 thị trường thế giới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Phân bón Cà Mau luôn tìm kiếm những giải pháp để hỗ trợ bà con nông dân thông qua các chương trình bỏ phiếu tặng quà, quay số trúng thưởng, hướng dẫn sử dụng phân bón hợp lý… để giảm gánh nặng về vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Với việc thực thi nhiều giải pháp thì dù giá khí tăng theo giá dầu nhưng mức tăng giá phân bón cao hơn nên đã tác động tích cực vào việc hoàn thành chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận của PVCFC. PVCFC cũng tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ hàng tự doanh và các sản phẩm mới khác.

Đặc biệt, cùng với việc triển khai các chương trình và đề án tối ưu hóa và tiết kiệm năng lượng nâng cao hiệu quả sản xuất urê và NPK, việc vận hành an toàn ổn định của Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất trung bình lũy kế đến nay đạt 111% so với thiết kế đã giúp doanh nghiệp có giá thành sản xuất cạnh tranh.

Ngoài ra, PVCFC cũng linh hoạt triển khai các phương án xuất khẩu trong các thời điểm nhu cầu nội địa giảm sút, lượng tiêu thụ nội địa chậm, tồn kho tăng cao.

Từ đó, đã nâng cao khả năng chiếm lĩnh thị trường không chỉ với dòng sản phẩm ure mà với các dòng sản phẩm khác như NPK, OM Cà Mau, góp phần hoàn thành các mục tiêu doanh thu, lợi nhuận.

Tổng sản lượng ure xuất khẩu 6 tháng của PVCFC đạt hơn 200 nghìn tấn đi Campuchia, Ấn Độ và Bangladesh - là một số thị trường truyền thống mà Phân bón Cà Mau có thế mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục