PVN chính thức sử dụng chữ ký số từ ngày 1/1/2021

11:56' - 26/12/2020
BNEWS Ngày 1/1/2021, việc sử dụng chữ ký điện tử (chữ ký số) sẽ được đưa vào sử dụng trên hệ thống Quản lý công văn tài liệu (Idoc) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đây là hoạt động cụ thể nằm trong chuỗi lộ trình chuyển đổi số của PVN. Trước đó, ngày 21/12/2020, chữ ký số đã được thử nghiệm trên hệ thống Idoc và thường xuyên cập nhật tính năng, hỗ trợ tốt nhất cho việc xử lý các văn bản tại Cơ quan Tập đoàn một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo an toàn, bảo mật.

Chữ ký số là một dạng của chữ ký điện tử với việc sử dụng công nghệ mã khóa công khai (RSA), là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để đảm bảo tính xác thực, an toàn, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu đối với văn bản điện tử và các giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

Cùng với quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản, tài liệu của các cơ quan nhà nước, việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng sẽ góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại, minh bạch.

Với tính năng vượt trội và bảo mật cao, chữ ký số đóng vai trò như chữ ký đối với cá nhân hay con dấu đối với doanh nghiệp và được thừa nhận về mặt pháp lý. Việc sử dụng chữ ký điện tử trên Idoc của PVN sẽ được đồng bộ với Trục liên thông văn bản của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, chuyển đổi số tại PVN nói chung và Cơ quan Tập đoàn nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được lãnh đạo Tập đoàn quan tâm hàng đầu nhằm thay đổi công tác quản trị, điều hành, tăng hiệu quả, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Xác định rõ tầm quan trọng và cấp thiết của công tác chuyển đổi số tại PVN, trước hết tại Cơ quan Tập đoàn, lãnh đạo PVN đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tại Cơ quan Tập đoàn với nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực cốt lõi của Công ty Mẹ PVN.

Trong đó, PVN tập trung công tác chuyển đổi số trong quản trị, điều hành, quản lý sản xuất; lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; lĩnh vực công nghiệp khí và chế biến dầu khí; lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo; lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, an toàn và môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục