PVN: Khó khăn không chỉ từ dịch COVID-19

15:39' - 13/09/2021
BNEWS Mặc dù hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch trong tám tháng qua và đóng góp cho thu ngân sách nhà nước tăng 11% so với dự toán nhưng những khó khăn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn còn ở phía trước.

8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Đặc biệt, thu ngân sách từ dầu thô 8 tháng vẫn ghi nhận kết quả tích cực đạt 25.700 tỷ đồng, bằng 111% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ.

*Đối diện khó khăn

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở trong nước từ ngày 29/4 đã khiến nhiều tỉnh, thành áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có nhiều tỉnh, thành lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ - nơi có nhiều công trình, dự án, nhà máy dầu khí hoạt động.

Thêm vào đó, nhiều địa phương siết chặt thêm các biện pháp phòng dịch như hạn chế đi lại, tạm ngừng các hoạt động không thiết yếu đã ảnh hưởng nặng nề, toàn diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của PVN ở cả 5 lĩnh vực hoạt động chính, trong đó các lĩnh vực: lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất. 

Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, đứt gãy, lưu thông hàng hóa, sản phẩm, nguyên nhiên vật liệu của các đơn vị đã gặp khó khăn do nhân lực, phương tiện vận chuyển phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch chặt chẽ như xét nghiệm PCR, cách ly trước và sau khi di chuyển ra khỏi các tỉnh, thành…

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khí, điện, xăng dầu và hóa dầu suy giảm mạnh do giãn cách xã hội và siết chặt giao thông; tồn kho sản phẩm cao dẫn đến các nhà máy lọc dầu đã phải giảm công suất, nguy cơ dừng sản xuất trong thời gian tới là rất lớn.

Cụ thể, sản lượng khí khô cung ứng và tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2021 giảm 15% so với với cùng kỳ năm 2020; kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa chất, phân bón đều giảm mạnh so với cùng kỳ; tồn kho xăng dầu của các nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn tăng cao dẫn đến phải giảm công suất xuống mức tối thiểu và đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.

Hoạt động tổ chức làm việc kéo dài ngoài biển và ở nước ngoài (Malaysia, Brunei..); việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài vào các nhà máy và công trình dầu khí gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Sông Hậu 1, Thái Bình 2… ảnh hưởng tiến độ bảo dưỡng tổng thể, sửa chữa tại một số nhà máy, công trình tại các đơn vị thành viên.

Những khó khăn từ dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu ngân sách nhà nước và các địa phương có hoạt động dầu khí. 

Không chỉ khó khăn từ dịch bệnh COVID-19, PVN còn gặp phải những vướng mắc không nhỏ do cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời như Luật Dầu khí, cơ chế đầu tư cho lĩnh vực thăm dò và khai thác.

Hiện, PVN có 48 nhóm việc đang được kiến nghị cần được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ. Cùng với việc phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, PVN còn phải chịu áp lực lớn đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mới được giao.

 

*Đương đầu thách thức

Đứng trước các khó khan này, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề, tổng thể cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, diễn biến thị trường ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn, yêu cầu gắt gao việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ban chỉ đạo địa phương.

PVN đã ban hành 53 thông báo, 43 chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên theo từng lĩnh vực, khối theo chuỗi giá trị. Với mục tiêu “Đảm bảo sức khỏe cho người lao động, hoạt động sản xuất xuất kinh doanh đầu tư tiếp tục duy trì ổn định, an toàn, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt”, cùng với nhận diện các khó khăn và cơ hội phát sinh để giữ vững kết quả đã đạt được trong 8 tháng đầu năm, đảm bảo dòng tiền hoạt động của các đơn vị thành viên được thông suốt đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đầu tư, hoàn thành kế hoạch cả năm 2021 ở mức cao nhất, PVN đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp ứng phó dịch COVID-19 đó là: 

Thứ nhất, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, trong đó nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và sản xuất kinh doanh cao hơn so với yêu cầu chung; tiếp cận các nguồn vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin an toàn, đảm bảo 2 liều/1 người cho toàn bộ người lao đông trong tập đoàn; sẵn sàng trang thiết bị an toàn phòng chống dịch tại tập đoàn và các đơn vị để kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị khi phát sinh nhu cầu; hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần, điều kiện an toàn cho cán bộ công nhân viên khi thực hiện các giải pháp “ba tại chỗ” cũng như kéo dài thời gian đổi ca… nhằm động viên tinh thần cho người lao động.

Thứ hai, đảm bảo sản xuất kinh doanh – đầu tư duy trì ổn định an toàn, liên tục: trong đó tập trung thực hiện tốt phương châm “ba tại chỗ”, “hai điểm đến, một cung đường” đối với người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, dự án, công trình dầu khí; chủ động áp dụng các kịch bản xuất hiện F0 tại khu vực sản xuất (đã được xây dựng) để đưa ra phương án ứng phó phù hợp; chia sẻ, điều phối nguồn lực, nhân lực, vật lực (kho chứa) để giảm áp lực tồn kho giữa các đơn vị trong PVN - đã chỉ đạo PVOIL, BSR, PVNDB, PVTRANS triển khai thực hiện, ngoài ra đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng để hỗ trợ, bố trí kho cho phép các đơn vị PVN gửi kho xăng, dầu; xây dựng các kịch bản điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn tập đoàn đảm bảo linh hoạt và phù hợp với các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Thứ ba, đảm bảo lưu thông nguyên nhiên vật liệu sản xuất, sản phẩm nhằm duy trì công tác tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt góp phần ổn định thị trường; trong đó tập trung thực hiện bám sát các diễn biến của thị trường, rà soát số liệu tồn kho, nhu cầu thuê kho của các đơn vị trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm đang giảm sút nghiêm trọng.

Thứ tư, đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2021, 2022; phân cấp triệt để trong công tác quản trị đầu tư, đi đôi với tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện; hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư lĩnh vực thăm dò khai thác để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt/thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện; tập trung cho các dự án thăm dò khai thác trong khu vực truyền thống.

*Bảo vệ thành quả

Trên cơ sở thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 8 tháng đầu năm 2021, trong thời gian còn lại của năm 2021, Tập đoàn phấn đấu giữ vững kết quả đã đạt được, tiếp tục tập trung 5 nhóm giải pháp đó là:

Người đại diện và thủ trưởng các đơn vị triển khai cập nhật, dự báo diễn biến của dịch bệnh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kịp thời việc tiêm vắc-xin mũi 2 cho người lao động toàn Tập đoàn.

Đảm bảo sản xuất kinh doanh - đầu tư duy trì ổn định an toàn, liên tục. Xây dựng mô hình hoạt động tại các nhà máy, công trường phù hợp từng giai đoạn kiểm soát dịch bệnh đảm bảo chủ động trong sản xuất kinh doanh.

Rà soát việc thực hiện công tác đầu tư và quản trị danh mục đầu tư tại tập đoàn và các đơn vị thành viên nhằm đảm bảo tiến độ các dự án. Theo đó, PVN tập trung đưa dự án Sông Hậu 1 vận hành vào đầu tháng 11/2021; sớm đưa các công trình mới (BK 19, BK 18A) vào khai thác để gia tăng sản lượng khai thác dầu trong năm 2021.

Trên cơ sở dự báo về kinh tế vĩ mô, thị trường, triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 tại tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Rà soát, triển khai các công việc chuẩn bị cho sản xuất, kinh doanh đón đầu phục hồi kinh tế, cập nhật danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm thay thế và kế hoạch phát triển thị trường thích nghi với thay đổi về nhu cầu cũng như tình hình chuyển dịch năng lượng, triển khai trong quý IV/2021.

Triển khai đồng bộ chuyển đổi số và ứng dụng các nền tảng số ở tất cả các đơn vị trong Tập đoàn.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường giữ vai trò sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Với vị thế là doanh nghiệp giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, PVN đã chủ động nắm bắt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh “quản trị biến động”, thường xuyên cập nhật dữ liệu, dự báo thị trường, đưa ra kịch bản tối ưu, đảm bảo hiệu quả cho các hoạt động của Tập đoàn.

PVN cũng tiếp tục xây dựng các giải pháp, kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh xuất khẩu song song với việc phát triển, củng cố, kiểm soát thị trường, tạo cơ sở phát triển và nắm bắt cơ hội tiêu thụ sản phẩm khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát kéo theo nhu cầu của thị trường tăng trong thời gian tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục