Quan chức Eurozone thảo luận về cách thay đổi các quy định tài khóa

08:36' - 18/01/2022
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Eurozone bắt đầu thảo luận về cách thay đổi các quy định tài khóa dễ bị phá vỡ của Liên minh châu Âu (EU) để các chính phủ thực sự tuân thủ.
Một quan chức cấp cao của Khu vực đồng euro (Eurozone) cho biết ngày 17/1, các Bộ trưởng Tài chính khu vực này sẽ bắt đầu cuộc thảo luận về cách thay đổi các quy định tài khóa dễ bị phá vỡ của Liên minh châu Âu (EU) để các chính phủ thực sự tuân thủ chúng.

Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) được xây dựng nhằm ngăn chặn các chính phủ vay mượn quá nhiều để bảo vệ giá trị của đồng euro. Song, các quy định thường bị lờ đi - một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ năm 2010.

Theo quan chức trên, cuộc thảo luận giữa các Bộ trưởng bắt đầu từ nhận thức rằng các biện pháp trừng phạt không được sử dụng nhiều và gần như không có tác dụng.

Để xoa dịu thị trường tài chính khi cuộc khủng hoảng nợ lên đến đỉnh điểm, năm 2011, các nước thành viên Eurozone đã thống nhất đưa ra các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các nước có mức thâm hụt và nợ cao, cùng với khả năng phạt tiền đối với các chính phủ không giải quyết được tình trạng mất cân bằng kinh tế khác như chênh lệch tài khoản vãng lai quá mức.

Tuy nhiên, trên thực tế, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục vi phạm các quy định về vay nợ và Ủy ban châu Âu chưa bao giờ có động thái trừng phạt bất kỳ quốc gia nào.

Quan chức trên nhấn mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều người đã nhấn mạnh đến việc thực thi các quy định quyết liệt hơn, nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, EU cũng lên kế hoạch đầu tư khổng lồ nhằm "xanh hóa" nền kinh tế và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Ngoài ra, sau đại dịch COVID-19, một số nước Eurozone cũng đang phải gánh khoản nợ công lớn và không thể giảm theo quy định hiện tại mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, do đó cần có một quy tắc giảm nợ mới.

Một số ý tưởng được đưa ra là thiết lập lộ trình giảm nợ riêng lẻ cho từng quốc gia thay vì áp dụng một quy tắc chung cho tất cả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục