Quan chức Mỹ khuyến cáo: Giá dầu thế giới có thể tăng 40%

15:48' - 12/07/2022
BNEWS Giá dầu thế giới có thể tăng 40% lên khoảng 140 USD/thùng nếu đề xuất giới hạn giá đối với dầu của Nga cùng với việc miễn trừ trừng phạt cho các lô hàng dưới mức giá đó không được thông qua.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/7 cho biết, giá dầu thế giới có thể tăng 40% lên khoảng 140 USD/thùng nếu đề xuất giới hạn giá đối với dầu của Nga cùng với việc miễn trừ trừng phạt cho các lô hàng dưới mức giá đó không được thông qua.

Quan chức này cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ thảo luận về việc thực hiện đề xuất trên cùng các diễn biến kinh tế toàn cầu với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khi hai bên gặp nhau vào cuối ngày thứ Ba.

 
Theo quan chức này, mục tiêu của đề xuất là xác định mức giá phù hợp với chi phí biên của Nga đủ để nước này có thể tiếp tục xuất khẩu dầu, nhưng không đủ cao để có thể tài trợ cho cuộc xung đột với Ukraine .

Phía Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về việc giới hạn giá bị đặt quá thấp, nhưng không bác bỏ hoàn toàn phạm vi giá tiềm năng từ 40 – 60 USD/thùng.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với dầu mỏ của Nga và cấm bảo hiểm hàng hải đối với bất kỳ tàu nào chở dầu có xuất xứ từ nước này, Bộ trưởng Yellen coi giới hạn giá là một cách để duy trì dòng cung dầu và ngăn chặn một đợt giá tăng đột biến có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu.

Phía Mỹ cũng đề xuất một "ngoại lệ về giá": hủy bỏ lệnh cấm bảo hiểm hàng hải đối với các đơn đặt hàng dưới mức giá đã thỏa thuận. Đề xuất nhằm ngăn chặn nguồn cung dầu hàng triệu thùng mỗi ngày của Nga gặp khó khăn trong việc luân chuyển do thiếu bảo hiểm.

Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết việc thực hiện các biện pháp trừng phạt mà không có ngoại lệ về giá có thể kích hoạt giá dầu thô tăng đáng kể. Theo ước tính, kịch bản không ngoại lệ đó có khả năng đưa giá dầu từ khoảng 100 USD/thùng lên khoảng 140 USD/thùng.

Tuy nhiên, quan chức này nói thêm vẫn có một số yếu tố không chắc chắn về các ước tính, đặc biệt là xung quanh giả định về độ “co giãn” nhu cầu dầu.

Bên cạnh đó, các công ty EU, Anh và Mỹ chiếm khoảng 90% bảo hiểm và tái bảo hiểm cho hoạt động vận chuyển dầu toàn cầu. Điều này sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong việc duy trì dòng chảy dầu khi các lệnh trừng phạt đề xuất có hiệu lực vào cuối năm nay.

Mỹ và Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng Sáu đã đồng ý tìm cách áp đặt một giới hạn như vậy để giảm doanh thu và làm cạn kiệt nguồn tài chính phục vụ cho chiến dịch tại Ukraine của Nga. Song các nội dung chi tiết vẫn đang được nghiên cứu xây dựng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục