Quan điểm trái chiều về mức độ cải cách quy định ngân sách của EU

08:24' - 10/11/2021
BNEWS Theo quy định hiện hành, chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) phải giữ thâm hụt ngân sách dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công dưới 60% GDP.

Nhóm các bộ trưởng tài chính của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro Eurozone (Eurogroup) vừa khởi động các cuộc đàm phán về việc cải cách các quy định ngân sách của khối này, để thích nghi với thực trạng nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19 đòi hỏi nợ công cao và nhu cầu đầu tư lớn để chống biến đổi khí hậu.

Theo quy định hiện hành, chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) phải giữ thâm hụt ngân sách dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công dưới 60% GDP.

Chính phủ các nước EU đang có quan điểm trái chiều về mức độ cải cách đối với các quy định trên. Các nước EU ở khu vực phía Nam châu Âu quan tâm hơn đến việc nới lỏng các quy định giảm nợ và đưa đầu tư vào một hạng mục đặc biệt, ví dụ như không tính đầu tư vào thâm hụt ngân sách.

Ủy viên Kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho biết các ý tưởng khác vẫn đang được đàm phán, và EU sẽ đưa ra đề xuất cải cách vào quý I năm sau.

Các bộ trưởng tài chính của EU cũng đồng thuận rằng sự tăng mạnh của giá tiêu dùng hiện tại sẽ dịu xuống vào năm tới và các nước phải giảm nợ công nhưng theo cách không gây tổn hại cho đà tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát của Eurozone đã tăng 4,1% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,4% trong tháng Chín. Trước tình hình đó, các bộ trưởng tài chính của EU đang bắt đầu lo ngại rằng sự gia tăng này có thể khiến tiền lương tăng mạnh hơn, từ đó tạo ra một vòng xoáy lạm phát.

Tại một buổi họp báo, Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe cho biết dù mức lạm phát cao hiện tại phần lớn là do các yếu tố mang tính tạm thời, nhưng tình hình này kéo dài hơn dự đoán do mức độ phục hồi kinh tế.

Nhưng ông Donohoe cho biết Eurogroup vẫn dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống vào năm 2022 và sang năm 2023, cùng quan điểm với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)./.

>>>Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục