Quan hệ hợp tác giữa Quảng Tây (Trung Quốc) với các địa phương Việt Nam bước vào thời kỳ hoàng kim

11:02' - 11/04/2025
BNEWS Đối với Quảng Tây (Trung Quốc), Việt Nam được xem là đối tác gần gũi nhất, khi chỉ cần mở cửa là đã tiếp giáp. Trong triển khai hợp tác quốc tế, quốc gia đầu tiên Quảng Tây hướng đến cũng là Việt Nam.

Vì vậy, ngay sau khi được Trung ương điều động về nhận công tác tại Quảng Tây hơn 1 tháng, đồng chí Trần Cương (Chen Gang) - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam với những ấn tượng rất tốt đẹp, thậm chí vượt xa kỳ vọng ban đầu. Ông đánh giá cao sự thân thiện của người dân Việt Nam, môi trường tươi đẹp, an ninh trật tự ổn định và không khí xây dựng phát triển rộn ràng khắp nơi.

Ông cho biết cảm thấy vui mừng thay cho Việt Nam trước những thành tựu đã đạt được.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Bí thư Trần Cương nhận định rằng quan hệ Trung - Việt thời gian qua phát triển tích cực, với mức độ tin cậy chính trị giữa hai bên ngày càng sâu sắc.

Ông nhắc lại việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, đã trao đổi điện mừng vào đầu năm nay nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và công bố chính thức “Năm giao lưu nhân văn Trung - Việt”.

Bên cạnh sự tin tưởng giữa lãnh đạo cấp cao, ông Trần Cương cho biết hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng đang diễn ra hết sức sôi động.

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, ông đã cùng Bí thư Tỉnh ủy của bốn tỉnh giáp biên Trung Quốc – Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang – tổ chức buổi gặp gỡ đầu Xuân lần thứ 10. Tại sự kiện này, hai bên đã ký kết nhiều dự án hợp tác quan trọng, thể hiện sự kết nối sâu rộng từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, thành phố giữa hai nước.

Đồng thời, Quảng Tây và Việt Nam cũng triển khai hiệu quả công tác kết nối hạ tầng, hiện tại Quảng Tây có 9 tuyến đường cao tốc, 2 tuyến đường sắt kết nối trực tiếp đến biên giới Việt Nam.

 

Hai bên có 9 cửa khẩu trên bộ, trong đó năm ngoái, cửa khẩu Đông Hưng đã làm thủ tục thông quan cho hơn 8,5 triệu lượt người, bình quân mỗi ngày có hơn 20.000 lượt người đi qua cửa khẩu này. Ông cho biết thêm, không chỉ hạ tầng giao thông, hai bên còn hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Giao lưu nhân dân cũng là điểm sáng trong quan hệ song phương. Theo Bí thư Trần Cương, hiện nay có rất nhiều khách du lịch qua lại giữa hai nước, và sinh viên Việt Nam lựa chọn Quảng Tây làm điểm đến du học ngày càng đông. Có thể nói, hiện tại hợp tác song phương rất đa dạng, đa chiều và đang ở vào thời kỳ giao lưu hữu nghị.

Đánh giá về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam trong thời gian qua cũng như triển vọng trong thời gian tới, Bí thư Trần Cương cho rằng, thời kỳ hoàng kim của hợp tác kinh tế-thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam vừa chỉ mới bắt đầu, hai bên còn rất nhiều dư địa hợp tác trong tương lai.

Ông nêu dẫn chứng, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Quảng Tây và Việt Nam trong năm 2024 đạt gần 300 tỷ Nhân dân tệ (41,2 tỷ USD), tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây trong suốt 26 năm qua.

Ông lưu ý rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. Dẫn ví dụ về quả sầu riêng – một loại trái cây được ưa chuộng tại Trung Quốc nhưng không trồng được tại Quảng Tây, nơi vốn được mệnh danh là “quê hương trái cây của Trung Quốc” – ông cho biết lượng lớn sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu qua các cửa khẩu như Đông Hưng và Bằng Tường, góp phần vào tổng giá trị nhập khẩu hơn 6 tỷ USD mặt hàng này của Trung Quốc trong năm ngoái.

Bên cạnh đó, ông cho biết thêm rằng cửa khẩu Hữu Nghị Quan - Bằng Tường hiện đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để trở thành cửa khẩu thông minh đầu tiên giữa hai nước, nhằm nâng cao hiệu quả thông quan và thúc đẩy thương mại song phương.

Đánh giá về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, ông Trần Cương bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây.

Ông cho rằng hai nền kinh tế có thể hỗ trợ nhau trong chuỗi ngành, chuỗi cung ứng, chuỗi công nghệ và chuỗi đầu tư.

Ông cũng đề cập đến việc một số doanh nghiệp lớn của Quảng Tây như Tập đoàn Yuchai đã đầu tư vào Việt Nam, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng mở văn phòng tại Quảng Tây để tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng hai bên cần rà soát các mắt xích trong chuỗi ngành hiện nay để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa hợp tác.

Theo ông, Trung Quốc đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành sản xuất, và Việt Nam cũng có những bước đi tương tự, do đó hai bên hoàn toàn có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

Liên quan đến các hoạt động nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là người dân vùng biên giới, Bí thư Trần Cương cho biết năm nay – nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là “Năm giao lưu nhân văn Trung - Việt” – Quảng Tây sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Trước hết, ông cho biết sẽ tăng cường hợp tác giữa các địa phương. Trong chuyến thăm vừa qua, ông và Bí thư Tỉnh ủy 4 tỉnh biên giới của Việt Nam đã tổ chức buổi gặp đầu Xuân và mời thêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng tham dự. Kể từ năm 2026, cơ chế này sẽ mở rộng thành “1+5”, bao gồm Quảng Tây và năm tỉnh, thành của Việt Nam.

Ông nhấn mạnh rằng giao lưu không chỉ dừng ở cấp tỉnh, mà còn mở rộng đến thành phố, huyện và các tổ chức quần chúng như công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên.

Về hợp tác văn hóa - du lịch, ông cho biết khu du lịch xuyên biên giới giữa thác Đức Thiên (Trung Quốc) và thác Bản Giốc (Việt Nam) kể từ khi đưa vào vận hành vào tháng 10/2024 đã đón hơn 730 đoàn khách hai nước, vượt qua kỳ vọng ban đầu dù chưa được quảng bá rộng rãi.

Ông đánh giá khu hợp tác này là mô hình tiêu biểu cho việc thúc đẩy giao lưu nhân văn, và mong muốn hai bên mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch hơn nữa. Ông cũng đề cập đến việc đã khai trương tuyến tàu du lịch biển Bắc Hải – Hạ Long, cũng như đường bay thẳng Nam Ninh – Hải Phòng, giúp rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể và mở rộng tiềm năng hợp tác du lịch.

Ngoài ra, hai bên cũng cần khuyến khích và đẩy mạnh giao lưu giữa người dân ở hai khu vực. Ông nhắc đến giải bóng đá hữu nghị giữa Đông Hưng và Móng Cái đã được tổ chức rất sôi động trong 30 năm qua và đề xuất mở rộng mô hình này ra các địa phương khác để làm phong phú thêm nội dung giao lưu nhân dân. Theo ông, ngoài thể thao và văn hóa, người dân vùng biên giới cũng có nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Từ những nền tảng hiện có, ông Trần Cương đánh giá rằng Trung Quốc và Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác. Trong năm nay, ông kỳ vọng hai bên sẽ thực hiện hiệu quả các hoạt động đã được thống nhất, đặc biệt là khuyến khích thanh niên và thế hệ trẻ hai nước tăng cường giao lưu, tạo tiền đề cho việc kế thừa và phát triển tình hữu nghị giữa hai dân tộc trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục