Quản lý đất nông, lâm trường-Bài cuối: Đảm bảo tính đồng bộ và tổng thế

10:31' - 08/09/2019
BNEWS Để đảm bảo tính đồng bộ và tổng thể đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, cần sớm hoàn thiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường”.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm hoàn thiện đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Ảnh minh họa: TTXVN

Để đảm bảo tính đồng bộ và tổng thể đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường”. 

Đây là việc làm cần thiết để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường cũng như tạo sinh kế bền vững cho người dân. 
* Hướng tới mục tiêu cụ thể 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” (Đề án). 

Mục tiêu tổng quát của Đề án là tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng, các tổ chức sự nghiệp khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (nông, lâm trường). Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án sẽ nhằm thiết lập được hệ thống bản đồ, hồ sơ kỹ thuật phản ánh chính xác, đầy đủ theo đúng hiện trạng ranh giới các loại đất; ranh giới đất thuộc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng…
Đề án cũng thống kê đầy đủ hiện trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường thuộc phạm vi đề án; rà soát ranh giới, cắm mốc, đo đạc xác định tọa độ đường ranh giới sử dụng đất, lập hồ sơ ranh giới; hiện trạng quy hoạch giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính; nội dung và khối lượng nhiệm vụ do Trung ương và địa phương thực hiện…
Về nhiệm vụ tổ chức thực hiện ở cấp Trung ương, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và ban hành các văn bản xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước; xây dựng phương án hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí đối với địa phương khó khăn; thực hiện các hoạt động kiểm soát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và xử lý các vi phạm đất đai có nguồn gốc lâm, nông trường; tích hợp…

Nhiệm vụ do địa phương thực hiện là rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất đối với các đối tượng; đo đạc mới bản đồ địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính hiện có; tổng hợp thống kê hiện trạng.
Để hoàn thiện các nội dung Đề án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với 33 tỉnh tiến hành rà soát lại các nhiệm vụ đã và đang thực hiện có liên quan đến nội dung của Đề án để tránh trùng lắp.

Cụ thể, Đề án sẽ thực hiện trong giai đoạn năm 2019 - 2022 và được áp dụng đối với các đối tượng là: các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức sự nghiệp có tên gọi khác thực hiện nhiệm vụ sự nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; các công ty nông, lâm nghiệp và các tổ chức có tên gọi khác hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý, sử dụng đất do các nông, lâm trường và các tổ chức được chuyển đổi từ các nông, lâm trường bàn giao về địa phương trong quá trình thực hiện các Nghị quyết số 28-NQ/TW (2003), 30-NQ/TW (2014) và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
* Thực hiện Đề án-nhìn từ Kon Tum
Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, nội dung công việc thực hiện trong Đề án có liên quan đến nhiều Bộ, ngành và địa phương; nhu cầu kinh phí thực hiện lớn; nội dung công việc thực hiện và sản phẩm của Đề án nhằm giải quyết các vấn đề rất lớn về đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, hiện đang là vấn đề xã hội rất quan tâm.
Do vậy, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến đất đai đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất trên diện tích đất, ổn định đời sống, sản xuất giảm tranh chấp đất đai và phát sinh việc lấn chiếm đất trái phép. Đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ đồng bào dân tộc, hạn chế tình trạng mua bán đất trái phép bằng giấy viết tay không thông qua chính quyền địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan Thanh tra và cơ quan Tài nguyên và Môi trường ở từng cấp phối hợp rà soát các đơn thư hiện có, tập trung giải quyết dứt điểm những đơn thư chưa giải quyết và những đơn thư đã giải quyết nhưng chưa phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế.
Đối với các phương án sử dụng đất của các Công ty cà phê và Công ty cao su, phần diện tích đất thống nhất bàn giao về địa phương quản lý đề nghị Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ đạo Công ty thành viên xử lý tài sản trên đất để bàn giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng.
Đối với phương án sử dụng đất của các Công ty lâm nghiệp, Kon Tum là tỉnh nghèo, do đó Trung ương cần quan tâm bố trí kinh phí để địa phương thực hiện đo đạc bản đồ địa chính đối với phần diện tích đất bàn giao về địa phương quản lý với diện tích 15.983ha để xây dựng phương án sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn trình tự, thủ tục lập thủ tục cho thuê đất đối với phần diện tích đất được giữ lại theo phương án sử dụng đất được duyệt đối với các Công ty lâm nghiệp./.
Xem thêm:

>>Quản lý đất nông, lâm trường - Bài 1: Giải bài toán tranh chấp, lấn chiếm đất đai

>>Quản lý đất nông, lâm trường - Bài 2: Vẫn nhiều bất cập

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục