Quản lý hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử

15:30' - 16/12/2021
BNEWS Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý hoàn thiện nhiều nội dung dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử của Bộ Tài chính

 

Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử; đồng thời, trên cơ sở tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo quy định chủ hàng hóa nhập khẩu được quyền khai hải quan.

Điều này dường như chưa phù hợp với Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Hải quan; trong đó, quy định chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan. Do đó, VCCI  đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp.

Về việc xử lý trường hợp hệ thống gặp sự cố, dự thảo quy định cơ quan hải quan phải thông báo điều này, song lại chưa có quy định về phương thức cung cấp thông tin. Cụ thể như, việc doanh nghiệp khai hồ sơ giấy và cập nhật bản điện tử sau khi hệ thống hoạt động trở lại. Doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu do không thông quan được. Do vậy, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề trên.

Liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử, dự thảo quy định doanh nghiệp có trách nhiệm trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật an toàn trong hoạt động giao dịch điện tử. Cùng đó, đảm bảo việc khai báo, truyền, nhận, lưu trữ thông tin khi truy cập và trao đổi thông tin với hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử.

Tuy nhiên, quy định lại chưa rõ ràng về các yêu cầu đối với hạ tầng kỹ thuật mà doanh nghiệp cần trang bị. Hay quy định chưa phù hợp khi cho phép doanh nghiệp thực hiện theo một trong hai phương thức là sử dụng trực tiếp chức năng trên hệ thống hoặc kết nối vào hệ thống. Vì vậy, chỉ các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức kết nối vào hệ thống mới có thể cần trang bị thêm một số hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cho việc kết nối.

Theo quan điểm của VCCI, quy định này dường như “thừa”, vì dự thảo yêu cầu doanh nghiệp kết nối với hệ thống phải theo tiêu chuẩn kỹ thuật và định dạng dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố. Nghĩa là doanh nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật nhất định trước khi kết nối vào hệ thống. Vì thế, nên bỏ quy định doanh nghiệp có trách nhiệm trang bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật an toàn trong hoạt động giao dịch điện tử trong dự thảo.

Dự thảo cũng đề cập tới quyền và mức độ truy cập dữ liệu của các cơ quan Nhà nước trừ cơ quan hải quan từ hệ thống xử lý dữ liệu thương mại điện tử. Nhưng, chưa rõ ràng ở điểm loại dữ liệu nào cơ quan Nhà nước được quyền tiếp cận. Trong khi đó, các thông tin mà doanh nghiệp kê khai lên hệ thống lại rất nhiều; trong đó, có cả những thông tin cá nhân.

Vì vậy, việc cung cấp thông tin cho các cơ quan khác cần đảm bảo không tiết lộ các thông tin cá nhân. Chẳng hạn có thể thực hiện thông qua việc ẩn các trường thông tin này. Cơ quan Nhà nước khác có thể thực hiện truy cập bằng việc nhập số tờ khai (định danh, được hệ thống tạo tự động) hoặc gửi thông tin yêu cầu đến cơ quan hải quan. 

Dự thảo cũng quy định về trình tự, thủ tục khóa quyền truy cập và sử dụng hệ thống. Nhưng, cách thiết kế các quy định còn tương đối phức tạp và chưa thân thiện với người dùng. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần sửa đổi và thiết kế lại quy định này.

Quy định việc kiểm tra thực tế với hàng hóa khi có phát hiện nghi ngờ là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hoá. Nhiều trường hợp hàng hoá thương mại điện tử được vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh. Nếu phát sinh việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể khiến doanh nghiệp dịch vụ chậm giao hàng và phải bồi thường cho khách hàng.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hoá thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục. Khi đó, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hoá./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục