Quản lý thu phí đường bộ bằng công nghệ "một dừng"

15:42' - 30/05/2016
BNEWS Việc thu phí qua các trạm thu phí đường bộ sẽ được thực hiện bằng công nghệ "một dừng" mới giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nhân lực.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải chia sẻ về những vấn đề xoay quanh câu chuyện dự án BOT đường bộ. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Bộ đã huy động được trên 207 nghìn tỷ đồng, đầu tư cho 76 dự án BOT. Đây là những dự án trọng điểm phục vụ cho các vùng kinh tế.

 “Có thể khẳng định, những dự án BOT được triển khai bảo đảm đúng yêu cầu các quy định quy phạm hiện hành và đáp ứng được cơ sở hạ tầng. Thời qua, chúng ta đã đầu tư các dự án với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng. Có nhiều dự án lớn, trong đó có đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Thông tin trên được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ tại buổi Tọa đàm với chủ đề "Chính sách, pháp luật và hiệu quả từ các dự án BOT" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 30/5, tại Hà Nội.

Tham gia buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần TASCO Phạm Quang Dũng chia sẻ: Những năm qua, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải rất quyết liệt vấn đề này. Đặc biệt, 5 năm qua, các thủ tục hành chính trong đầu tư đã thông thoáng. Các nhà đầu tư đã tiếp cận với những dự án thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng, điều khó khăn, vướng mắc nhất đối với nhà đầu tư hiện nay là nguồn tín dụng và khai thác dự án. Nếu Bộ Giao thông Vận tải không quản lý chặt chẽ xe quá tải, rủi ro sẽ rất lớn.

“Xe quá tải gấp rưỡi, gấp đôi trọng tải thiết kế đường giao thông nào chịu nổi. Cuối cùng nếu hỏng, dư luận xã hội đổ hết cho nhà đầu tư và nhà thầu. Đây là một cái khó khăn. Một số nhà cung cấp tín dụng cũng ái ngại khi cung cấp vốn vì rủi ro này không kiểm soát được”, ông Dũng bộc bạch.

Đối với vấn đề quản lý thu phí tại các trạm kiểm soát hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Hiện nay, Bộ đang thực hiện thu phí qua trạm bằng công nghệ "một dừng". Có nghĩa xe đi qua trạm căn cứ vào loại xe, bảng điện tử sẽ báo số tiền phải đóng. Khi đó, hệ thống camera giám sát thu thập thông tin về loại xe và định ra số tiền phải thu.

Người lái xe trả tiền, nhân viên căn cứ vào báo hiệu trên bảng điện tử và dùng thẻ điện tử theo quy định tương ứng để giúp nâng cần barie. Số tiền đó được lưu lại trong máy cùng biển số xe. Vé đưa cho lái xe chỉ có tác dụng thanh toán với cơ quan quản lý xe chứ không có tác dụng quay vòng.

Trong ngày, cơ quan quản lý trạm sẽ biết được tổng số tiền thu và các loại xe tương ứng. Dữ liệu này được kết nối 3 cơ quan: ngân hàng cho vay vốn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư…

Thời gian qua, triển khai các chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã có nhiều công trình, dự án được triển khai theo hình thức BOT. Lĩnh vực giao thông vận tải đã có trên 70 công trình, dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT.

Từ năm 2011 trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông với quy mô hiện đại như cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Hà Nội-Hải Phòng... được triển khai xây dựng theo hình thức BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục