Quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa

11:36' - 04/02/2016
BNEWS Để khối doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh lên làm nòng cốt cho nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, cần phải bàn thảo nhiều hơn về những chính sách ưu đãi, hỗ trợ khối doanh nghiệp này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những trăn trở làm sao có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp này phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất đơn độc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đấy là ý kiến cá nhân. Chính phủ luôn xem trọng tất cả thành phần kinh tế và đang làm nhiều việc cho khối doanh nghiệp này. Cả Quốc hội, hệ thống chính trị đang thực hiện, xây dựng và hàng loạt luật đã ra đời, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật Thuế… đều có ưu ái cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Tuy nhiên, người ta đang so sánh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) được ưu đãi nhiều hơn. Điều đó có thể đúng ở một góc cạnh nào đó, không phải toàn bộ. Tôi ví dụ: đối với Luật Công nghệ cao, không phải chỉ áp dụng riêng cho doanh nghiệp FDI mà áp dụng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Vấn đề là doanh nghiệp trong nước có tiếp cận được và đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi hay không? Không ai quy định Luật này chỉ dành cho doanh nghiệp FDI, nhưng vì họ là các doanh nghiệp đa quốc gia, có sản phẩm công nghệ đạt chất lượng cao, đủ độ yêu cầu, như: sản phẩm không chỉ cạnh tranh toàn cầu, mà tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tỷ lệ lao động có chất lượng cao (kỹ sư và thạc sỹ trở lên) chiếm tỷ trọng lớn. Những tiêu chuẩn rất cao này đưa ra, doanh nghiệp nào đạt thì sẽ được hưởng.

Luật là áp dụng cho chung, không có phân biệt đối với từng doanh nghiệp. Thậm chí, Luật Đầu tư 2014, tôi thấy còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam thông thoáng hơn doanh nghiệp nước ngoài nhiều lần, như: bỏ toàn bộ giấy phép đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam, trừ những dự án rất lớn ở cấp Quốc hội chấp thuận chủ trương.

Ngược lại, đối với doanh nghiệp nước ngoài phải có dự án, thì mới được cấp phép, thành lập doanh nghiệp. Điều này rất chặt đối với doanh nghiệp FDI để kiểm soát từng dự án xem có đúng các tiêu chí đặt ra và cũng cho thấy là do doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ mạnh để thực hiện các tiêu chí.

Phóng viên: Ông có đánh giá gì về các chính sách hiện nay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi cho rằng, thời gian qua, chúng ta chưa quan tâm đầy đủ và có chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển; đó là điều chúng ta trăn trở. Trăn trở là làm sao để vực dậy doanh nghiệp yếu mạnh lên làm nòng cốt cho kinh tế Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng nhiều Luật liên quan tới điều này và tới đây còn thực hiện nhiều hơn nữa.

Từ năm 2014, Chính phủ đã cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó, sử dụng ngân sách thông qua ngân hàng thương mại để cho vay khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, thế vẫn chưa đủ. Tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ ở cấp Nghị định. Dự kiến sẽ có dự thảo đầu tiên để thảo luận về chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện, Bộ cũng đang trình Chính phủ thành lập các Trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ sáng tạo, vì ý tưởng sáng tạo từ mọi thành phần, người dân, nhất là giới trẻ để tư duy cái mới, đầu tư mạo hiểm để khuyến khích tinh thần doanh nghiệp phát triển lên.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các năm tới?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Sẽ cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, cần hỗ trợ ngay từ đầu khởi nghiệp, phải có Trung tâm, tổ chức Nhà nước để khuyến khích sáng tạo, ý tưởng của doanh nghiệp. Nhiều người trẻ có ý tưởng hay để làm ra sản phẩm cạnh tranh với thế giới.

Cũng có nhiều ý tưởng của các doanh nghiệp Việt Nam đang bị thui chột vì không có tổ chức đỡ đầu, khuyến khích họ với tư cách Nhà nước. Đó là những điều chúng ta cần phải làm, quốc tế họ đã làm từ lâu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp còn non trẻ về tín dụng, hỗ trợ khi doanh nghiệp còn khó khăn, khi tiếp cận thị trường.

Vì những sản phẩm có bán được, doanh nghiệp mới phát triển được, những điều này vai trò Nhà nước rất quan trọng. Còn nhiều việc khác nữa, như: đồng hành, bảo vệ doanh nghiệp, vì trong kinh doanh nhiều rủi ro.

Theo tôi, từ khởi nghiệp tới bán sản phẩm là quy trình khép kín, lúc khó khăn hỗ trợ như thế nào đang được thể hiện trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông hình dung thế nào về kinh tế Việt Nam những năm tới?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chúng tôi đang xuất bản tác phẩm Việt Nam 2035; trong đó, đưa ra những khát vọng của Việt Nam tới năm 2035, đó là tương lai đất nước trong 20 năm nữa. Nếu chúng ta làm tốt những giải pháp, kiến nghị trong đó thì Việt Nam có thể tiến tới mức thu nhập bình quân khoảng 15.000 USD/người/năm, với một xã hội công bằng, mọi người đều được chăm lo và rất quan tâm tới thành phần yếu thế trong xã hội. Nhưng nếu không làm được thì Việt Nam sẽ còn rất khó khăn.

Phóng viên: Nhìn lại 5 năm qua, Bộ trưởng thấy con đường cải cách thể chế kinh tế diễn ra thế nào?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong 5 năm qua, với quyết tâm của cả bộ máy, chúng ta có bước chuyển mạnh mẽ về thể chế, bắt đầu từ Hiến pháp 2013, tới các Luật, như sửa đổi luật về tổ chức bộ máy chính quyền Trung ương, địa phương, Luật dân sự, hình sự, tới luật kinh tế… mỗi luật đều có tác động mạnh tới xã hội, đều hướng theo tiến bộ và mong muốn đổi mới về thể chế.

Nhưng theo tôi, cố gắng đó chưa đủ. Vì vấn đề then chốt nhất là thúc đẩy phát triển các nhân tố thị trường theo hướng đầy đủ và hiện đại còn nhiều việc phải làm.

Hàng loạt luật, chỉ dừng ở một số bước đổi mới, chúng ta còn phải hoàn thiện theo các bước phát triển của Việt Nam. Đánh giá lại, đổi mới thể chế vừa qua là một điểm sáng ấn tượng, nhưng rõ ràng 5 năm tới còn rất nhiều việc phải làm.

Phóng viên: Xin chân thành cám ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục