Quản trị xanh, kênh hấp dẫn tiếp cận nguồn vốn xanh

14:40' - 22/11/2023
BNEWS Những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh.

Với chủ đề: "Khơi nguồn Tài chính xanh và Quản trị xanh", diễn đàn thường niên lần thứ 6 (AF6) năm 2023 là cơ hội gặp gỡ của các doanh nhân, lãnh đạo - quản lý doanh nghiệp, nơi diễn giả và thành viên tham dự cùng trao đổi về chủ đề trên. Sự kiện do Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức tại Hà Nội ngày 22/11/2023.

 

Tại diễn đàn, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về giá trị thực tiễn của Quản trị E&S (Môi trường và Xã hội) trong việc khơi nguồn tài chính xanh và cách thực hiện dựa trên tầm nhìn và dấu ấn riêng của doanh nghiệp.

Theo Ban tổ chức, tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. 

Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú. Trong đó, thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế, nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, và trái phiếu xanh.

Đại diện VIOD cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh, qua đó giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quản trị xanh (quản trị bền vững – quản trị các giá trị tác động đến môi trường và xã hội) được nhà đầu tư và các quỹ đầu tư coi là thành tố then chốt, là một tiêu chuẩn và điều kiện cần để đưa ra các quyết định đầu tư, thay vì coi là điều kiện cộng như trước đây.

Nhiều ý kiến tại diễn đàn cho rằng, muốn tiếp cận được nguồn vốn xanh thì doanh nghiệp cần phải “xanh từ trong quản trị doanh nghiệp”. Và để làm được điều này, trước hết doanh nghiệp cần: Nâng cao nhận thức và hiểu biết về tài chính xanh, xác định những cơ hội và thách thức về tài chính xanh; Xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ xanh và tăng cường trách nhiệm với môi trường và xã hội; Thực hiện quản trị xanh để nâng cao khả năng tiếp cận các công cụ tài chính xanh ưu đãi từ thị trường tài chính xanh trong và ngoài nước...

Tại diễn đàn bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị VIOD đã chia sẻ thêm về những vấn đề liên quan đến quản trị xanh.

Theo bà Thanh, đối với Việt Nam, khả năng hấp dẫn được các nguồn tài chính xanh đến từ các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang ở mức độ hạn chế. Do đó, quản trị xanh đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm và đề cập đến để tiếp cận với nguồn vốn xanh.

Đặc biệt, quản trị xanh là hướng đến việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội hay còn gọi là sản phẩm có trách nhiệm xã hội. Như vậy, quản trị xanh đã vượt lên trên quản trị truyền thống, quản trị chiến lược... trong đó, Hội đồng quản trị là cơ quan lãnh đạo tối cao, định hướng chiến lược, giám sát chiến lược một cách hiệu quả và đảm bảo chắc chắn hiệu quả phát triển lâu dài với lợi ích của các nhà đầu tư và các cổ đông.

Hội đồng quản trị cũng là nơi cần thực thi chiến lược phát triển hàng năm và dài hạn cần phải rõ ràng cam kết về chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu sử dụng năng lượng đầu vào, giảm thiểu phát thải đầu ra... mà những vấn đề này trước đây chưa được quan tâm.

"Như vậy, Hội đồng quản trị là cơ quan quan trọng nhất đưa ra chiến lược ngắn hạn, trung  hạn và đưa ra cam kết hành động cụ thể để có thể hấp dẫn các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế." - bà Thanh nhấn mạnh.

Bà Thanh cho biết thêm, hiện nay các quỹ đầu tư quốc tế sẵn sàng đầu tư khoảng 15,7 tỷ USD cho 10 năm tới, vấn đề là Việt Nam có hấp dẫn được nguồn vốn đó hay không? và điều này còn tùy thuộc vào từng doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là chính từ nội tại của doanh nghiệp  chứ không phải là cơ chế của nhà nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là điều kiện cần thiết và kiên quyết để hấp dẫn được nguồn tài chính xanh.

Là một đơn vị đang thực hiện chuyển đổi xanh, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cho biết, thời gian qua MB cũng đang tích cực thuê các tổ chức quốc tế để thực hiện chuyển đổi xanh.

Theo đó, MB đã xây dựng chiến lược khung tiêu chuẩn ESG, và cam kết thực hiện một cách bài bản. Đồng thời, phát triển kịch bản, xây dựng hệ thống quản lý rui ro về những biến động về môi trường và xã hội.

Ngoài ra, MB cũng đầu tư hạ tầng công nghệ mới hỗ trợ hoạt động quản trị và vận hành theo tiêu chuẩ ESG. Lồng ghép các tiêu chuẩn quốc tế vào quy định nội bộ, công bố thông tin, báo cáo thường  niên và báo cáo bền vững, vận hành nội bộ đc số hóa...

Theo ông Phạm Như Ánh, thời gian tới MB sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp... Do đó, để tiếp cận được nguồn vốn xanh từ MB thì các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các giấy phép và chứng nhận sản phẩm. Đồng thời, đáp ứng khung quản trị rủi ro môi trường, tiêu chi tín dụng xanh của MB...

Tổng Giám đốc MB cũng đề xuất những khó khăn hiện nay như chưa có khung pháp lý rõ ràng về danh mục phân loại xanh quốc gia để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn cũng như cấp tính dụng xanh; các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn thành vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị thị trường cao, do vậy các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cấn đối nguồn vốn để cho vay, trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đã cho các ngành, lĩnh vực xanh.

Tổng giám đốc MB đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhanh chóng ban hành hướng dẫn phát triển ngân hàng xanh và "tiêu chí phân loại xanh" có tính tới sự phù hợp các tiêu chuẩn thực hành tốt để các tổ chức tín dụng có thể áp dụng cho vay các dự án xanh phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Hướng dẫn công bố thông tin tài chính khí hậu theo tiêu chuẩn quốc tế; đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể, định hướng ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho tín dụng xanh...

Cũng tại diễn đàn, VIOD ghi nhận và tôn vinh những Hội đồng quản trị đạt thành tích xuất sắc phù hợp với tiêu chí đánh giá khắt khe, vượt qua hơn 500 Hội đồng quản trị của các công ty niêm yết khác tại thị trường Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục