Tạo môi trường cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế xanh

14:07' - 16/11/2023
BNEWS Xu hướng tiêu dùng xanh đang định hình ngày càng rõ hơn tại Việt Nam, với nhiều người dân chủ động tìm kiếm sản phẩm xanh từ nhà sản xuất kinh doanh xanh.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2023 do UBND Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và một số đơn vị khác tổ chức từ ngày 15-16/11, đã diễn ra chuỗi các tọa đàm song hành. Qua đó nêu bật vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế và tiêu dùng xanh - một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay.

Cụ thể, tại tọa đàm "Kiến tạo môi trường cho cộng đồng doanh nghiệp của nền kinh tế xanh", các chuyên gia cho rằng, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đang dẫn đầu trong hệ sinh thái kinh tế xanh, là người tiên phong định vị và là "cánh chim" đầu đàn trong làn sóng "xanh"; trong đó, doanh nghiệp có thể khởi đầu ngay từ chính trong nội bộ của mình và truyền tải những câu chuyện chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa sản xuất kinh doanh đến cộng đồng doanh nghiệp trong ngành, cùng chuỗi cung ứng và người tiêu dùng.

 
Hiện tại, xu hướng tiêu dùng xanh đang định hình ngày càng rõ hơn tại Việt Nam, với nhiều người dân chủ động tìm kiếm sản phẩm xanh từ nhà sản xuất kinh doanh xanh. Bên cạnh đó, nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ... trên thị trường quốc tế cũng đang tìm kiếm sản phẩm của Việt Nam đáp ứng được làn sóng "xanh" và xu hướng mới của người tiêu dùng toàn cầu, nhất là đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng bao bì tái chế, để góp phần cộng hưởng vào thông điệp khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, ở khâu chọn lựa nhà cung cấp hay chuỗi cung ứng bao bì tái chế theo tiêu chí đáp ứng xu hướng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng vẫn đang là bài toán không đơn giản của nhiều doanh nghiệp do phải cân đối các chi phí so với rủi ro về tuổi thọ của một nhãn hàng ra mắt thị trường.

Chia sẻ tại tọa đàm "Những thị trường mới nổi: Tái chế và tín chỉ carbon", ông Nguyễn Huy, Tổng Giám Đốc ngành hàng đảm bảo kinh doanh tại Việt Nam và Cambodia thuộc Tập đoàn Intertek cho biết, ở ngành dệt may, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm khai báo và đảm bảo các nội dung khai báo trên sản phẩm. Khác với những chứng nhận trước đây, hiện nay trên từng sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu tái chế phải đảm bảo tỷ lệ tái chế và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ từ nhãn sản phẩm gắn liền với bao bì sản phẩm nên doanh nghiệp phải nói thật, làm thật và cung cấp thông tin truy xuất được nguồn gốc.

Ngành dệt may đang đứng trước các cơ hội đầu tư do nền kinh tế tuần hoàn mang lại như sản xuất kinh doanh cho thuê, bán quần áo; thu gom phân loại tái chế quần áo; sản xuất nông nghiệp tái sinh, thu gom lương thực thặng dư; sản phẩm phụ… Bởi trong 5 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế tuần hoàn, gồm: xây dựng, giao thông, bao bì nhựa, dệt may, thực phẩm, thì nhu cầu ăn mặc vẫn là một nhu cầu cơ bản nhất của con người trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh trong xã hội và kinh nghiệm chuyển xanh trong cộng đồng", bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long cho hay, với phương châm "viết nên hạnh phúc", Tập đoàn Thiên Long đã khẳng định chiến lược phát triển bền vững với sản phẩm phục vụ cho tinh thần hiếu học của người Việt, thân thiện môi trường. Từ 15 năm trước, Tập đoàn Thiên Long đã sản xuất sản phẩm bảng đen bằng nguyên vật liệu tái chế, tiếp theo là sử dụng nhựa tái chế làm vỏ bút, vỏ trấu làm một số sản phẩm mới…

Đặc biệt xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn Thiên Long luôn không ngừng trở thành nhà sản xuất và vận hành doanh nghiệp có trách nhiệm. Điển hình, đối với một  cây bút chỉ vài nghìn đồng, nhưng Tập đoàn Thiên Long vẫn đầu tư đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu giảm giá từng đồng bằng giải pháp giảm bớt nhựa và nguyên vật liệu khác.

Còn tại toạ đàm "Giải pháp mở rộng thị trường cho sản phẩm Việt Nam trong bức tranh kinh tế thế giới 2024", một số đại diện viện, trường, hiệp hội chỉ ra rằng, xu hướng tiêu dùng xanh hiện tại Việt Nam và ngay cả trên thị trường toàn cầu đòi hỏi những giải pháp tiếp thị truyền thông hiện đại gắn với xu hướng E-S-G (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp) của cộng đồng doanh nghiệp; trong đó, những sáng kiến của hệ thống bán lẻ và công ty cung cấp ứng dụng giao hàng sẽ thúc đẩy tiêu dùng xanh và chuyển đổi xanh.

Theo phân tích của ông Đinh Hồng Kỳ, Viện trưởng Viện ESG và Phát triển bền vững (IES), mỗi ngành có đặc thù riêng, mỗi doanh nghiệp có xuất phát điểm riêng, nên khi tham gia nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần có chiến lược và định hướng phù hợp với lĩnh vực hoạt động. Việt Nam đang ở nền kinh tế tuyến tính, bỏ qua nền kinh tế tái sử dụng để tiến lên nền kinh tế tuần hoàn, với bối cảnh này cộng đồng doanh nghiệp có thể khai thác lợi ích về giảm lượng tiêu thụ nguyên vật liệu thô sơ cấp, giảm lượng khí thải carbon, khuyến khích các ngành công nghiệp “xanh”, hành vi tiêu dùng bền vững...

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa cho EU bắt buộc chứng minh quy trình sản xuất kinh doanh tuân thủ EGS thì EU mới làm việc tiếp, nếu không sẽ bị ngưng. Trong tương lai, để doanh nghiệp có mô hình sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững; đồng thời, có thể làm việc với bất cứ khách hàng nào về môi trường và trách nhiệm xã hội thì vai trò của tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội trong tuyên truyền quy định pháp luật cho doanh nghiệp là rất cần thiết.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành và các bên thì phải chủ động tham gia nền kinh tế tuần hoàn và sản xuất kinh doanh xanh, cũng như xem đây là điều cần làm chứ không còn là khuyến khích. Mặt khác, báo cáo ESG là một phần không thể thiếu trong báo cáo thường niên của doanh nghiệp quy mô lớn, đang trở thành yêu cầu đối với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong những năm gần đây, nên doanh nghiệp phải đáp ứng để tăng sức thuyết phục không chỉ khách hàng xuất khẩu mà cả người tiêu dùng toàn cầu.

Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UNBD Tp. Hồ Chí Minh nhận định: Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt ra mục tiêu tổng quát là thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội.

Cùng với đó, có 4 mục tiêu cụ thể: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Để đạt được và thúc đẩy các mục tiêu trên, Tp. Hồ Chí Minh xác định tăng trưởng kinh tế phải gắn liền phát triển bền vững và cần có sự chia sẻ lẫn nhau; trong đó, chia sẻ có sự học hỏi từ quốc gia đi trước, chuyên gia và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết thêm, Tp. Hồ Chí Minh luôn xác định sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh luôn gắn liền với sự phát triển của các địa phương khác trong khu vực, cũng như trên cả nước và quốc tế. Do đó, xây dựng chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững từ nuôi, trồng, thu hoạch, lưu trữ, sơ chế, chế biến… đến tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành   hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững. Đó cũng là một nội dung cụ thể của Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục