Logistics xanh thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản, dược phẩm Việt Nam - Australia

14:07' - 17/11/2023
BNEWS Logistics xanh là xu hướng và yêu cầu tất yếu để hoàn chỉnh chuổi cung ứng xanh từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường.

Logistics xanh được coi là một trong các xu hướng và nhu cầu tất yếu để hình thành các chuỗi cung ứng nông sản, dược phẩm bền vững; góp phần thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của cả Việt Nam và Australia.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Diễn đàn logistics xanh hướng tới chuỗi cung ứng bền vững cho sản phẩm nông sản và dược phẩm xuất nhập khẩu - kết nối hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa Australia và Việt Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/11.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, Việt Nam và Australia là hai trong số gần 150 quốc gia cam kết đưa phát thải khí nhà kính về 0 (Net zero) vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26). Điều này đòi hỏi hai bên cùng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics phục vụ xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản và dược phẩm là những mặt hàng có kim ngạch lớn trong thương mại giữa Việt Nam và Australia. Hệ thống logistics được phát triển không chỉ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong vận chuyển mà còn thúc đẩy tăng trưởng của nông sản và dược phẩm trên thị trường của cả hai quốc gia.

 
Bà Cherie Anne Russell, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng, nông nghiệp và công nghiệp dược phẩm của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ do tăng thu nhập bình quân và sự phát triển kinh tế. Đây cũng là những lĩnh vực mà Australia quan tâm thúc đẩy phát triển trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Chính vì vậy, logistics đóng vai trò quan trọng để hình thành chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trong chiến lược thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương giữa Việt nam và Australia. Trong đó, logistics xanh được coi là xu hướng tương lai, phản ánh trách nhiệm tích cực của doanh nghiệp và nâng cao độ cạnh tranh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam (VLI) cho biết: Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sang Australia đạt mức tăng trưởng trung bình 11%/năm trong giai đoạn từ 2018 - 2022. Một số loại trái cây như: xoài, thanh long và nhãn đã chiếm lĩnh thị trường Australia. Năm 2022, lượng lớn sản phẩm nông nghiệp bao gồm gạo, tiêu, cà phê và hạt điều đã được xuất khẩu sang thị trường này. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của giá trị xuất khẩu đạt 6,8%.

Về dịch vụ logisstics, Nghiên cứu khảo sát từ Chủ sở hữu hàng hóa (CO) và Nhà cung cấp dịch vụ logistics (LSP) do Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam mới đây cho thấy, doanh nghiệp nông nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ logistics đều chủ động thực hiện chính sách và quy trình xanh. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Australia, như chi phí cao và chính sách nhận hàng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa Hồ Thị Thu Hòa, để cải thiện hiệu suất xuất khẩu, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng, đào tạo nhân viên, đảm bảo chất lượng sản phẩm và thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Song song đó, cần cần cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường vận chuyển thân thiện với môi trường và kết nối giữa các tổ chức để thúc đẩy phát triển logistics xanh cho sản phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.

Ông Craig Luxton, Giám đốc Công ty Luxton & Co cho rằng: Logistics xanh là xu hướng và yêu cầu tất yếu để hoàn chỉnh chuổi cung ứng xanh từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc giảm thiểu tác động môi trường. Đầu tiên, logistics có sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong lĩnh vực vận chuyển và đóng gói. Việc giao hàng chặng cuối, mặc dù quan trọng lại góp phần vào ô nhiễm và tắc nghẽn đô thị.

Thêm vào đó, sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng hiện tại là một rào cản, khi sự hiện diện của các trạm sạc ô tô điện hoặc bơm hydro không đủ để hỗ trợ mạng lưới giao hàng không phát thải rộng rãi. Chi phí đầu tư cho chuyển đổi logistics xanh ban đầu cao các công nghệ mới cũng là một rào cản đáng kể. Việc theo dõi lượng khí thải carbon từ các nguồn gián tiếp rất khó khăn.

Đối với dược phẩm, ông Craig Luxton cho biết, việc nhận thức về yêu cầu đặc biệt của sản phẩm dược khiến cho việc thiết kế chuỗi cung ứng xanh trở nên phức tạp nhưng rất quan trọng. Điều này bao gồm hiểu rõ về nhu cầu lưu trữ đặc biệt của dược phẩm, như kiểm soát nhiệt độ để bảo quản hiệu suất và giảm lãng phí do thời hạn sử dụng ngắn. Nguyên tắc chuỗi cung ứng xanh bao gồm giảm lãng phí thông qua tối ưu hóa bao bì, vận chuyển năng lượng hiệu quả, và triển khai chương trình tái chế.

“ Để thiết kế và vận hành logistics xanh trong xuất nhập khẩu dược phẩm, các bên liên quan phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Theo đó nhà cung cấp đảm bảo có nguồn nguyên liệu bền vững, đối tác logistics có kế hoạch tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển.

Đồng thời, các mắt xích trong chuỗi cung ứng phải ứng dụng phân tích dữ liệu để dự báo tốt hơn, đầu tư vào công nghệ chuỗi lạnh tiết kiệm năng lượng, khám phá blockchain trong việc theo dõi và tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Đặt ra mục tiêu rõ ràng, bắt đầu với việc tối ưu hóa hiệu suất và sản xuất, xem xét các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, và xây dựng lộ trình cho một tương lai xanh hơn. Việt Nam có thể áp dụng các thực hành tương tự, tuy nhiên nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.”, ông Craig Luxton chia sẻ thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục