Quảng Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8% trong năm 2024

15:19' - 08/12/2023
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh cần phải có những giải pháp đột phá, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5-8%

Năm 2024, tỉnh Quảng Nam xác định “Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, chủ động vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2024”.

 

Đây là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020-2025 đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, để đạt để những chỉ tiêu đề ra, tỉnh cần phải có những giải pháp đột phá, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5-8%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.600 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 20.100 tỷ đồng. Phấn đấu giảm 2.900 hộ nghèo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%. Số  lao động có việc làm mới tăng thêm 16.000 người. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,2%...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, năm 2024 Quảng Nam sẽ tập trung 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra của năm. Theo đó, tỉnh tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Quảng Nam thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng, san lấp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tập trung ưu tiên thu hút đầu tư. Tỉnh thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai các Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển vùng Tây.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược; tập trung triển khai nội dung được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội kết luận để trình cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương đầu tư; tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng giao thông quan trọng kết nối liên vùng, trọng tâm là tuyến đường Võ Chí Công, các tuyến nối từ đường Võ Chí Công đến các trục quốc lộ; quốc lộ 14E, các cầu qua sông Thu Bồn, Vu Gia. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt.

Song song, tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu chi ngân sách đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đảm bảo các nguồn thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao; sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi về hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn thu trong năm 2024; tố trí ngân sách theo tỷ lệ phù hợp cho các công trình đang triển khai; tăng cường trách nhiệm trong thanh quyết toán, giải ngân vốn đầu tư công; thu hồi tạm ứng ngân sách…

Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Nguyên nhân ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỷ đồng, đạt 53% dự toán. So với 15 chỉ tiêu theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra năm 2022, dự kiến vượt đối với 3 chỉ tiêu; 9 chỉ tiêu dự kiến đạt; 3 chỉ tiêu không đạt.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam vẫn còn tồn tại, hạn chế: tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu; hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phục hồi, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị… còn kéo dài.

Ngoài ra, quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai xây dựng các khu xử lý rác thải còn chậm; xảy ra một số hạn chế, khuyết điểm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, đầu tư, giá đất, khoáng sản. Việc mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao, đấu thầu thuốc còn lúng túng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục