Quảng Ninh tập trung nguồn lực khôi phục lâm nghiệp sau bão số 3

10:30' - 27/09/2024
BNEWS Sơ bộ tỉnh Quảng Ninh có gần 120.000 ha rừng bị thiệt hại do bão số 3. Là 1 trong những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nhất, tỉnh và các ngành đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để phục hồi sản xuất.

Tỉnh Quảng Ninh có trên 434.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, độ che phủ đạt gần 55%. Cơn bão số 3 với sức gió giật cấp 17 đã khiến gần 120.000 ha rừng (tính đến 25/9) của tỉnh bị gãy đổ. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu ở rừng sản xuất. Quảng Ninh đã nhanh chóng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để sớm khôi phục sản xuất.

Theo ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơn bão số 3 quét qua Quảng Ninh với sức gió giật cấp 17 đã thách thức mọi tính toán, mọi tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đã tính toán và đã gây ra sự tàn phá khủng khiếp, ước con số thiệt hại lên trên 24.000 tỷ đồng.

Riêng lâm nghiệp, do điều kiện bị chia cắt về địa hình, nhiều nơi xa chưa tiếp cận được nên chưa thống kê được đầy đủ.

Trong số diện tích rừng bị thiệt hại trên, rừng tự nhiên khoảng trên 6.000 ha và tỷ lệ thiệt hại dưới 30%; rừng phòng hộ khoảng trên 7.000 ha; còn lại chủ yếu là rừng sản xuất của người dân.

Quảng Ninh có 8 công ty lâm nghiệp quản lý trên 40.000 ha, giờ chỉ còn khoảng 10.000 ha.  Sau bão số 3, có công ty không còn diện tích rừng nào không bị thiệt hại. 8 công ty này cũng có gần 8.000 lao động nên đời sống người dân sẽ rất khó khăn.

Ông Vũ Duy Văn cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp bất thường để đưa ra một số chính sách cấp bách theo trình tự, thủ tục rút gọn để hỗ trợ khắc phục thiên tai do bão số 3. Tỉnh đã bố trí 1.000 tỷ đồng phân bổ nguồn lực cho khắc phục hậu quả.

Quảng Ninh cũng xác đinh các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: thống kê chính xác toàn bộ thiệt hại liên quan lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện ngay chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất sau bão theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.  Theo đó, tỉnh đã ban hành khung hỗ trợ với mức hỗ trợ cao nhất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Duy Văn, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP chưa có quy định hỗ trợ là tổ chức, doanh nghiệp. Cho nên đối tượng doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn mà chưa được hỗ trợ. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ rất thấp, người dân được hỗ trợ cũng khó khôi phục được sản xuất với mức thấp như vậy. 

“Nếu tỉnh bố trí thêm được nguồn vốn hỗ trợ cũng không hỗ trợ được, bởi như vậy sẽ vượt khung”, ông Vũ Duy Văn nêu vấn đề.

Ông Vũ Duy Văn cho biết, hiện tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp, người dân tận thu diện tích bị thiệt hại, vệ sinh rừng. Với gần 120.000 ha bị thiệt hại, khối lượng gỗ cần tận thu rất lớn và đòi hỏi lượng nhân công lớn trong hoàn cảnh này rất khó. Chi phí thu gom đẩy lên rất cao, chưa kể hệ thống đường lâm nghiệp có thể vận chuyển được gỗ cũng vẫn bị chia cắt.

Bên cạnh đó, diện tích rừng bị đổ cũng chặn tất cả các tuyến đường đi được vào rừn. Một số cơ sở thu mua, chế biến dăm cũng bị thiệt hại.  Lượng tàu vào nhập dăm cũng ít đi nên việc khắc phục đã khó khăn càng khó khăn hơn.

Ông Vũ Duy Văn cho biết, tỉnh đã phát động chiến dịch thông qua việc huy động quân đội, lực lượng vũ trang để hỗ trợ người dân tận thu diện tích rừng bị thiệt hại. Dự kiến, chiến dịch sẽ thực hiện đợt 1 đến 31/10. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt là ở khu vực có rừng bị đổ gãy. 

Về lâu dài, Quảng Ninh xác định phải có đề án khôi phục và phát triển lâm nghiệp bền vững để bố trí nguồn lực. Tỉnh cũng xác định sẽ có cơ chế đặc thù để khôi phục, phát triển sản xuất.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, các ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3, phải làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tổng quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực, để vừa làm căn cứ cho các quyết sách về kinh tế - xã hội, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách.

Để sớm khôi phục nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP. Các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục