Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động "cầm chừng"

16:17' - 10/03/2016
BNEWS Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực, dẫn đến tình trạng hầu hết các Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ đang hoạt động "cầm chừng".
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động "cầm chừng". Ảnh: Đức Thọ-TTXVN

Ngày 10/3, tại hội thảo "Mô hình và giải pháp phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Hồ Chí Minh", các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực, dẫn đến tình trạng hầu hết các Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nhiều địa phương chỉ đang hoạt động "cầm chừng".

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng ngân hàng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2001/NĐ/CP, ngày 23/1/2001, về trợ giúp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được ban hành theo Quyết định 193/2001/QĐ-TTG.

Tuy nhiên, qua khoảng 15 năm chỉ có 23 Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập ở các địa phương nhưng chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ đối tượng này tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Quỹ này được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2007, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thông qua hình thức bảo lãnh khi doanh nghiệp không đủ điều kiện về tài sản, thế chấp...

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thành lập, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được hình thức bảo lãnh này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo phân tích của các chuyên gia, những hạn chế về năng lực tài chính của các Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quy trình cho vay và bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng...

Đây là những rào cản dẫn đến tình trạng hoạt động "cầm chừng" của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, số lượng hợp đồng bảo lãnh chiếm tỷ lệ thấp so với nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Mặt khác, trên thực tế Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải tiếp nhận nhiều hợp đồng bảo lãnh tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến việc phát triển hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tại hệ thống ngân hàng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn.

PGS. TS. Hạ Thị Thiều Dao, Trường đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh nhận định, một trong những rào cản trong việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương là việc góp vốn điều lệ với mức yêu cầu tối thiểu để thành lập quỹ là 30 tỷ đồng, vượt quá khả năng của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hầu hết chính quyền các địa phương đều nhận thấy việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là cần thiết, nhưng gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách.

Vì vậy, để Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy được vai trò, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng cần có cơ chế chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín cho các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cụ thể, phải "cởi trói" cho Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khỏi những quy định khắt khe, cải thiện nguồn vốn từ Ngân sách Nhà nước; nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp hơn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục