Quỹ đầu tư quốc gia Indonesia sẽ “giải cứu” doanh nghiệp nhà nước

07:04' - 20/06/2021
BNEWS INA - quỹ đầu tư quốc gia (SWF) Indonesia - tuyên bố sẽ “giải cứu” các công ty phát triển cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu nhà nước (SOE) đang bị mắc nợ bằng cách mua lại một số đường cao tốc có thu phí.

Giám đốc điều hành INA, ông Ridha Wirakusumah, cho biết quỹ này chú ý tới các đường cao tốc có thu phí thuộc các doanh nghiệp xây dựng nhà nước Waskita Karya, Hutama Karya, Wijaya Karya, và Adhi Karya, cũng như nhà điều hành đường cao tốc có thu phí thuộc sở hữu nhà nước Jasa Marga.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Viện Phát triển Ngân hàng Indonesia tổ chức, ông Ridha cho hay, các doanh nghiệp có thể trả nợ, đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, hoặc thậm chí xây dựng các tuyến đường cao tốc có thu phí mới, sau khi bán các đường cao tốc có thu phí cho INA.

Ông Ridha tiết lộ thêm rằng INA cùng với các SWF khác đã lên kế hoạch thiết lập một nền tảng đầu tư cơ sở hạ tầng với số tiền lên tới 54.000 tỷ rupiah (3,75 tỷ USD) để mua lại các đường cao tốc có thu phí.

Theo ông Ridha, tính đến năm 2020, Indonesia đã xây dựng và vận hành hơn 2.000 km đường cao tốc có thu phí, trong đó khoảng một nửa chủ yếu là vay nợ. Điều này đã làm giảm biên lợi nhuận của các nhà phát triển.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy các SOE trong lĩnh vực đường cao tốc có thu phí đều có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) cao hơn 2, tức là số nợ cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, khiến họ trở thành các doanh nghiệp rủi ro.

Cụ thể, tính đến quý II/2020, Waskita Karya có tỷ lệ D/E lên tới 3,42, Jasa Marga là 3,26, Adhi Karya là 5,76, và Wijaya Karya là 2,7.

Nợ nần chồng chất cũng góp phần khiến nhiều SOE bị giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ. Báo cáo tài chính năm 2020 của các công ty trên cho thấy Waskita Karya lỗ ròng 7.370 tỷ rupiah, Wijaya Karya giảm 85% lợi nhuận xuống còn 322 tỷ rupiah, trong khi lợi nhuận của Adhi Karya giảm tới 96% xuống còn 23,9 tỷ rupiah.

Ông Toto Pranoto, chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia, cho biết các SOE đã tìm cách thoái vốn khỏi các tuyến đường cao tốc thu phí từ lâu song không thể tìm được nhà đầu tư.

Do đó, kế hoạch mua lại các tuyến đường cao tốc thu phí của một số SOE là “luồng gió mới”, giúp các SOE trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tăng cường dòng tiền và giảm gánh nặng nợ nần.

Tuy nhiên, ông Toto cho rằng nên ưu tiên trước cho SOE có tình hình tài chính nguy cấp nhất là Waskita Karya.

Trong một nghiên cứu ngày 22/3, Fitch Ratings cho rằng, xuất phát từ kế hoạch của Chính phủ Indonesia nhằm đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng, "có nguy cơ các khoản cứu trợ vốn từ INA bị xói mòn nếu các SOE chuyển nguồn vốn này trở lại các dự án cơ sở hạ tầng mới”.

Cơ quan xếp hạng tín dụng này cũng lưu ý rằng "tổng số nợ của các công ty xây dựng thuộc sở hữu nhà nước ở Indonesia đã lên tới hơn 170.000 tỷ rupiah tính đến cuối tháng 9/2020", cao hơn rất nhiều so với số tiền mà INA dự kiến huy động thông qua nền tảng đầu tư của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục