Quy định cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông

10:12' - 13/07/2016
BNEWS Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, trong đó bổ sung quy định cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Nhân viên VNPT lắp đặt Internet tới hộ gia đình Tổ 23, phường Sông Bằng (Cao Bằng). Ảnh: Minh Quyết-TTXVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, trong đó bổ sung quy định cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Cụ thể, doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông muốn tiếp tục kinh doanh dịch vụ viễn thông theo nội dung giấy phép đã được cấp phải gửi hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép tới Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ít nhất 60 ngày làm việc trước ngày giấy phép hết hạn.

Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông công cộng bao gồm các tài liệu quy định tại Điều 23 Nghị định 25/2011/NĐ-CP và báo cáo tình hình thực hiện giấy phép kể từ ngày được cấp tới ngày đề nghị cấp mới giấy phép.

Việc xét cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông được thực hiện theo quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông ngoại trừ quy định "doanh nghiệp không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành", có xem xét việc tuân thủ quy định trong giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông đề nghị được cấp mới và quyền lợi hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông.

Giấy phép cấp mới có giá trị hiệu lực kể từ ngày hết hạn của giấy phép đề nghị được cấp mới.

Thời hạn của giấy phép cấp mới được xét theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật viễn thông (Giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông bao gồm: Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, có thời hạn không quá 15 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng; Giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, có thời hạn không quá 10 năm được cấp cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng).

*Điều kiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ.

Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế vừa được Chính phủ ban hành.

Nghị định này quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ bao gồm hoạt động trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ và hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ.

Trong đó, tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.

Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ gồm được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam; có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau: Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên; cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy); khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật; văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam; khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.

Để được làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức kinh tế còn cần có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ như có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ); nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.

Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả.

Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ. Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.

Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép và tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục