Quy định về cacao ở châu Âu tác động ra sao tới Tây Phi?

06:30' - 16/08/2022
BNEWS Giống như Liên minh châu Âu, Thụy Sỹ cũng có mục tiêu bền vững đối với cacao và những mục tiêu này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người nông dân trồng cacao ở nước ngoài.
Các quy tắc bền vững chặt chẽ hơn ở Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ có thể loại trừ cacao Tây Phi ra khỏi các thị trường châu Âu. Giống như EU, Thụy Sỹ cũng có mục tiêu bền vững đối với cacao và những mục tiêu này gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người nông dân trồng cacao ở các nước sản xuất như Ghana và Bờ Biển Ngà.

Vào tháng 11/2021, Ủy ban châu Âu đã lập bảng đề xuất các quy định về chuỗi cung ứng không tàn phá rừng. Cacao là một trong 5 mặt hàng toàn cầu (cùng với thịt bò, dầu cọ, đậu nành và cà phê) được lựa chọn để “gánh” nhiều quy định hơn. Báo cáo chỉ ra rằng chỉ riêng cacao đã gây ra 7,5% tổng số vụ phá rừng trên toàn cầu.

Một trong những lựa chọn là cấm hoàn toàn các sản phẩm cacao có liên quan đến nạn phá rừng vào thị trường EU. Tuy nhiên, đề xuất quy định như vậy "sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực thiết yếu đối với nền kinh tế của các quốc gia" như Ghana và Bờ Biển Ngà.

Được tổ chức ba năm một lần, Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 6 vào tháng Hai vừa qua là dịp để các nhà lãnh đạo châu Phi thúc đẩy đầu tư vào quốc gia của họ và để các đối tác châu Âu chứng tỏ họ không bỏ lục địa này để đến với Trung Quốc.

Đây cũng là cơ hội đối với những người đứng đầu của hai trong số những quốc gia sản xuất cacao lớn nhất thế giới là Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo và người đồng cấp Bờ Biển Ngà Alhassane Ouattara.

Cả hai đều bày tỏ quan ngại với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola rằng đề xuất các quy định mới của EU đối với nạn phá rừng có thể làm tổn hại đến hoạt động xuất khẩu cacao của họ. Ghana và Bờ Biển Ngà chiếm hơn 60% sản lượng hạt cacao toàn cầu.

Trong tuyên bố chung vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh EU-AU, hai nhà lãnh đạo Akufo-Addo và Ouattara đã cảnh báo về “nguy cơ gia tăng nghèo đói đối với người nông dân trồng ca cao ở cả hai quốc gia nếu luật phá rừng được đề xuất hiện tại được thông qua mà không tính đến những tác động đối với thu nhập của nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ”.

Cũng giống như các quy định của EU, Thụy Sỹ cũng có các mục tiêu bền vững đối với cacao mặc dù chúng không có ràng buộc. Mục tiêu được cam kết vào năm 2017 là 80% tổng lượng cacao nhập khẩu đến từ các nguồn bền vững vào năm 2025 (tỷ lệ này là 74% vào năm 2020).

Điều này sẽ đạt được thông qua hai phương thức là các chương trình bền vững đã được xác minh do chính các công ty Thụy Sỹ điều hành, hoặc thông qua việc mua trực tiếp các sản phẩm cacao đã được chứng nhận (như nhãn Fairtrade).

* Giải quyết nạn phá rừng

Châu Âu, bao gồm cả Thụy Sỹ, là khách hàng mua hạt cacao để chế biến lớn nhất trên thế giới. Gần 40% sản lượng hạt cacao toàn cầu hàng năm được chế biến ở châu Âu thành bơ cacao, bột cacao, sô cô la hoặc các sản phẩm ca cao khác.

Các công ty Thụy Sỹ, để tuân thủ các mục tiêu phá rừng của EU và Thụy Sỹ, cũng đã đưa ra các cam kết riêng lẻ để chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng trong chuỗi cung ứng của họ: Công ty thực phẩm và giải khát có trụ sở tại Thụy Sỹ Nestlé vào năm 2020 (đẩy lùi đến năm 2025) và Lindt & Sprüngli và Barry Callebaut vào năm 2025.

Tuy nhiên, động lực để không phá rừng trồng ca cao - cùng với của EU - đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng ở Tây Phi. Vào tháng 11/2020, Nestlé tuyên bố loại trừ 4.300 nông dân trồng cacao ở Ghana và Bờ Biển Ngà khỏi chuỗi cung ứng của mình để đáp ứng các cam kết về cacao bền vững. Nestlé cho rằng những người nông dân anyf trồng ca cao trong các khu bảo tồn và đất rừng được chỉ định.

Tại Bờ Biển Ngà, 3.700 nông dân bị loại do ruộng của họ nằm trong các khu rừng được phân loại là rừng cấp thấp hơn so với các vườn quốc gia, nhưng vẫn là vùng cấm cho các cơ quan cấp chứng chỉ. Tại Ghana, 668 nông dân trồng ca cao được phát hiện đang canh tác trên 912 cánh đồng trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn rừng.

"Một số trang trại này đã được thành lập hơn 20 năm, nhưng nằm trong khu vực được chính thức gọi là" rừng", Nestlé cho biết trong báo cáo tiến độ Giải quyết nạn phá rừng năm 2020.

* Truy xuất nguồn gốc

Dòng chữ "tuân thủ hoặc cắt bỏ" luôn nhắc nhở các nhà xuất khẩu cacao ở Ghana. Chỉ vài tháng sau động thái loại trừ nông dân không tuân thủ quy trình của Nestlé, Hội đồng quản trị ca cao của Ghana (COCOBOD) đã công bố kế hoạch phát triển dự án cơ sở dữ liệu kỹ thuật số Hệ thống quản lý cacao (CMS) trên toàn quốc.

Hệ thống này ra đời nhằm mục đích thu thập dữ liệu toàn diện về nông dân trồng cacao như vị trí của trang trại, thành phần hộ gia đình và quy mô trang trại nhằm mang lại sự minh bạch lớn hơn cho ngành cacao quốc gia, bao gồm dữ liệu cần thiết để xác định rủi ro mất rừng.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan chính phủ phát triển một cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa của mình. Phó Tổng thống Ghana Mahamudu Bawumia phát biểu tại buổi ra mắt hôm 23/10/2021 rằng: “Lần đầu tiên, mọi chương trình, mọi can thiệp chính sách, kế hoạch và dự báo, mọi dự án cơ sở hạ tầng cần thiết ở các vùng trồng cacao sẽ được thực hiện dựa trên dữ liệu đã được xác minh”.

COCOBOD muốn đăng ký 1,5 triệu nông dân trồng ca cao tham gia CMS và ước tính chi phí dự án trên 10 triệu USD. Dự án sẽ được tài trợ từ đợt vay thứ hai trị giá 200 triệu USD của khoản vay 600 triệu USD để tài trợ cho các biện pháp nâng cao năng suất được Ghana ký vào năm 2019 với một loạt tổ chức cho vay bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển Nam Phi và các ngân hàng đầu tư bao gồm Credit Suisse, Cassa Depositi e Prestiti Spa và Industrial and Commercial Bank of China Limited.

Khoản đầu tư dự kiến sẽ mang lại hiệu quả về lâu dài vì cơ sở dữ liệu cũng sẽ được COCOBOD sử dụng cho tất cả các giao dịch liên quan đến thanh toán. Những nông dân đã đăng ký sẽ được cấp Thẻ Nhận dạng Cacao, thẻ này cũng được coi là thẻ tín dụng để mua các nguyên liệu đầu vào như phân bón. Nông dân cũng sẽ được thanh toán cho hạt cacao của họ thông qua CMS để giảm nguy cơ tham nhũng và trộm cắp liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt.

“Trên thực tế, mục tiêu của chúng tôi là đưa Ghana trở thành nền kinh tế số hóa nhất ở châu Phi trong vòng hai năm tới”, Phó Tổng thống Bawumia nhấn mạnh tại buổi lễ công bố CMS vào năm 2021.

CMS sẽ là một công cụ quan trọng cho phép nông dân - đặc biệt là những người có trang trại nằm trên ranh giới của các khu vực rừng - phản hồi việc loại trừ cacao của họ khỏi chuỗi cung ứng quốc tế. Bản thân Nestlé đã nhận xét rằng những nông dân địa phương bị loại trừ có thể tranh cãi việc phân loại đất của họ là rừng. Tuy nhiên, cho đến khi CMS được đưa ra, họ không có cách nào để chứng minh những vướng mắc của mình.

Những người nông dân vốn đã phải vật lộn để kiếm sống. Kyei Baffour, 54 tuổi, một người cha của 9 đứa trẻ đã làm nông nghiệp trồng cacao từ đầu những năm 1980. Giờ đây, ông đã trở thành Trưởng hội nông dân ở Ataase Akwanta, một ngôi làng ở New Edubiase, Ghana.

Trong những năm thuận lợi, diện tích đất nông nghiệp rộng 25 mẫu Anh của ông mang về khoảng 15 bao cacao trên một mẫu Anh và 923 franc Thụy Sỹ (CHF, tương đương 987 USD) một năm. Đây là số tiền mà ông cho là không đủ.

“Bạn làm việc cả năm và chỉ kiếm từng đó tiền là chưa đủ. Về cơ bản là thua lỗ”, ông Baffour than thở. Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc thiếu thông tin liên lạc về chương trình CMS. Ông ấy không có Thẻ nhận dạng cacao và đang đợi những người nông dân trong cộng đồng của ông ấy được đăng ký.

Để giành được sự ủng hộ của những nông dân như ông Baffour và thuyết phục họ đăng ký với CMS, COCOBOD đề xuất liên kết các khoản chi trả lương hưu với cơ sở dữ liệu CMS. Mặc dù tuân thủ pháp luật từ năm 1984, hầu hết nông dân trồng cacao, giống như phần lớn khu vực phi chính thức của Ghana, không có lương hưu.

Do đó, một dự án thí điểm được đề xuất liên kết CMS với lương hưu cho nông dân trồng cacao là một vấn đề lớn đối với đất nước. Một số người coi sự ra mắt này là một nỗ lực để ủng hộ nông dân trồng cacao, những người có phúc lợi không tương xứng với vị thế của Ghana với tư cách là nhà sản xuất cacao lớn thứ hai thế giới (chiếm 17% sản lượng 4,8 triệu tấn toàn cầu vào năm 2019).

Theo dự án thí điểm, mỗi khi nông dân bán cacao cho COCOBOD, một khoản trích tối thiểu 5% sẽ được trả vào một quỹ đặc biệt. Nông dân sẽ nhận được thông báo trên điện thoại di động của họ sau khi số tiền đã được ghi có. Chính phủ cũng sẽ cấp 1% giá trị cacao được bán vào tài khoản của nông dân. Một phần đóng góp khác sẽ được đầu tư vào một tài khoản hưu trí mà chỉ sau khi nông dân nghỉ hưu mới có thể sử dụng được. Phần còn lại sẽ được đưa vào tài khoản tiết kiệm mà người nông dân có thể sử dụng khi cần thiết.

Giám đốc điều hành COCOBOD Joseph Boahen Aidoo cho biết CMS cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán nhanh chóng các yêu cầu bồi thường cho nông dân được hưởng lợi. Vào năm 2021, chương trình CMS và lương hưu cuối cùng đã được thí điểm ở quận New Edubiase, quận sản xuất cacao lớn nhất trong Vùng Ashanti ở miền Nam Ghana.

Bất chấp lời hứa ban đầu, nông dân trồng cacao của Ghana, hầu hết là nông dân trồng trọt quy mô nhỏ và kiếm được khoảng 1 USD mỗi ngày, vẫn nghi ngờ chương trình lương hưu sẽ bắt đầu trong năm nay.

Một số nguyên nhân là do sự miễn cưỡng của một bộ phận nông dân trồng cacao như Anane Boateng, Chủ tịch Hiệp hội nông dân cacao quốc gia Ghana với hơn 100.000 thành viên. Hiệp hội của ông tách ra khỏi Hiệp hội Nông dân Cacao, Cà phê và Hạt mỡ chính thức của Ghana vào năm 2019 và tự coi mình là “tiếng nói của nông dân trồng cacao quy mô nhỏ bình thường ở Ghana”.

Ông Boateng không hài lòng khi chương trình thí điểm CMS và lương hưu bắt đầu ở New Edubiase vì ông muốn chính phủ triển khai ngay kế hoạch trên toàn quốc thay vì trong một khu vực thí điểm. Ông cũng thất vọng trước việc các chính phủ liên tiếp không trả lương hưu cho tất cả nông dân trồng cacao như đã hứa với họ vào năm 1984.

Fiifi Boafo, người đứng đầu các vấn đề công cộng của COCOBOD thừa nhận sự chậm trễ trong việc triển khai CMS và chương trình lương hưu. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng hội đồng quản trị đang theo dõi để triển khai chương trình lương hưu vào cuối năm 2022. Việc đăng ký CMS cũng đang được tiến hành. Theo Fiifi Boafo, hơn 90% trong số 1,5 triệu nông dân trồng ca cao ở Ghana đã bắt đầu quá trình đăng ký hệ thống quản lý cacao.

* Hoài nghi và quan ngại

Trong khi đó, một số bên liên quan bên ngoài cũng bày tỏ sự hoài nghi. Christian Robin, Giám đốc điều hành của Chương trình Thụy Sỹ về Cacao bền vững, được đồng tài trợ bởi chính phủ thông qua Ban Thư ký Nhà nước về Các vấn đề Kinh tế của Thụy Sỹ (SECO), đã tóm tắt tình hình.

“Tôi thấy hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia có giá trị để kiểm soát tốt hơn nạn phá rừng và lao động trẻ em, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc triển khai thực hiện. COCOBOD với tư cách là một tổ chức chắc chắn có rất nhiều thách thức”, ông nói.

Các công ty sô cô la Thụy Sỹ, những đối tượng đã đầu tư một khoản tiền đáng kể vào việc phát triển cơ sở dữ liệu cacao của riêng họ, cũng đang chờ đợi và theo dõi xem CMS được triển khai như thế nào. Các công ty đều bày tỏ sự ủng hộ chung đối với khái niệm CMS. Tuy nhiên, quan điểm của họ về việc thực sự sử dụng CMS để truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng là khác nhau. Nestlé không đề cập đến chủ đề này, trong khi Barry Callebaut tuyên bố sẽ sử dụng CMS để “truy xuất nguồn gốc cơ bản của hạt cacao”. Còn Lindt & Sprüngli cho biết họ sẽ “xây dựng giải pháp” nếu Chính phủ Ghana quy định nó.

Một nhóm đặc nhiệm được thành lập vào năm 2020 để khám phá cách các công ty như Nestlé và Lindt & Sprüngli có thể cộng tác với CMS. Nhóm này bao gồm các đại diện từ COCOBOD và các công ty cũng như Tổ chức Cacao Thế giới.

Michael Ekow Amoah, người làm việc cho COCOBOD, đã một vài lần thuyết trình về việc triển khai CMS cho lực lượng đặc nhiệm để giúp giảm bớt mối quan ngại của các công ty sô-cô-la. Theo ông, các công ty sẽ được phép duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc của họ (và bảo vệ bí mật chuỗi cung ứng của họ khỏi người ngoài), nhưng nguồn dữ liệu của họ sẽ phải là CMS. Ông khẳng định CMS sẽ giúp cán cân quyền lực nghiêng một chút về phía nông dân.

“Hệ thống truy xuất nguồn gốc của các công ty tư nhân đặt lợi ích thương mại lên hàng đầu. Người nông dân nên có quyền lựa chọn họ bán cho ai và không nên bị ràng buộc vào một công ty vì lợi ích minh bạch”, ông Amoah nói.

Theo ông, chỉ riêng các công ty không thể đảm bảo không có tình trạng phá rừng ở các vùng trồng cacao. Họ có thể ngăn chặn nạn phá rừng trong khu vực hoạt động của họ nhưng vấn đề là nạn phá rừng có thể chỉ đơn giản là chuyển sang các khu vực lân cận. Ông nói: “Những đề xuất của EU không thể đạt được nếu không có cơ sở dữ liệu quốc gia".

Bất kể họ có sử dụng hay không, các nhà nhập khẩu cacao ở châu Âu sẽ phải trả tiền. COCOBOD có kế hoạch tính phí truy xuất nguồn gốc cho mỗi tấn cacao bán ra (tương tự như Mức chênh lệch thu nhập 400 USD/tấn được áp dụng vào năm 2020 để đảm bảo nông dân có được mức sống khá). Mức phí chính xác vẫn chưa được quyết định, nhưng hệ thống dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn vào cuối năm 2023, theo ông Amoah./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục