Quý I, chỉ số giá tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh tăng 1,51%

16:38' - 29/03/2022
BNEWS Chiều 29/3, Cục Thống kê Tp Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong tháng 3/2022 tăng 0,6% so với tháng 2 và tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, quý I/2022, CPI của thành phố tăng 1,51%. Theo Cục Thống kê thành phố, trong tháng 3 có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; 6/11 các nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông, tăng 4,94%.

 

Phân tích diễn biến chỉ số giá một số nhóm ngành hàng tháng 3, Cục Thống kê thành phố cho biết, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,26%; trong đó, nhóm lương thực tăng 0,37% do việc điều chỉnh giá bán của nhà cung cấp trước diễn biến tình hình xăng dầu tăng cao.

Đối với nhóm thực phẩm giảm 0,94%; trong đó, thịt gia súc giảm 4,96%; thịt chế biến giảm 0,07%; thủy sản tươi sống giảm 0,17%; thủy sản chế biến giảm 0,23%; rau tươi, khô và chế biến giảm 5,45% do nguồn cung tăng cao.

Thêm vào đó, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu qua Trung Quốc gặp nhiều khó khăn dẫn đến sản lượng nông sản cung ứng cho thị trường trong nước khá dồi dào đã làm giá các loại rau, củ, quả giảm mạnh. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,21% do sau Tết các nhà cung cấp điều chỉnh giá bán cho các sản phẩm trở về giá ngày thường.

Ở chiều ngược lại, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,88%, chủ yếu tập trung ở giá nhà ở thuê tăng 0,63%, vật liệu bảo dưỡng nhà tăng 0,42%, dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,63%. Chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt tăng 10,01%; trong đó, giá gas tăng từ 42.000-60.000 đồng/bình; dầu hỏa tăng 18,31% do việc điều chỉnh giá bán chung.

Nhóm giao thông có chỉ số giá tăng 4,94%, chủ yếu là do nhóm nhiên liệu tăng 11,57% từ tác động của 3 lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu ngày 01/3/2022, ngày 11/3/2022 và ngày 21/3/2022. Tình hình giá xăng dầu tăng cao do ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị trên thế giới.

Tương tự, chỉ số giá vàng tháng 3 năm 2022 tăng 8,48%; bình quân 3 tháng đầu năm 2022 tăng 13,64%. Chỉ số giá USD tháng 3/2022 tăng 0,25%. Bình quân 3 tháng đầu năm 2022 giảm 0,11% so với cùng kỳ.

Liên quan đến hoạt động nội thương trên địa bàn trong tháng 3 và quý I/2022, Cục Thống kê thành phố cho biết: Hoạt động thương mại dịch vụ thành phố đang trên đà phục hồi nhanh và tăng trưởng trở lại sau khi tình hình dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, người dân quay trở lại thành phố làm việc, thích nghi với tình hình dịch hiện nay, tâm lý e ngại dịch bệnh như trước đây cũng dần thay đổi.

Sau tháng Tết Nguyên đán, trong tháng 3 nhiều đơn vị kinh doanh đã triển khai các chính sách kích cầu trên nhiều phương tiện điện tử, kênh mua hàng trực tuyến cũng như tại cửa hàng nhằm thu hút người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình hình căng thẳng chính trị trên thế giới, diễn biến giá cả thị trường ở một số nhóm ngành hàng như xăng dầu, sắt thép, vàng bạc, nguyên liệu sản xuất…có nhiều biến động nên doanh nghiệp có xu hướng tăng dự trữ hàng hóa làm cho doanh thu các ngành này cũng tăng mạnh trong tháng 3.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 năm 2022 dự ước đạt 92.690 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ; ngành lưu trú và ăn uống tăng 7,8% so với tháng trước và giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam cũng như du lịch Thành phố dự báo sẽ có nhiều khởi sắc trở lại sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3, doanh thu ngành du lịch trên địa bàn trong tháng này ước tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Ước tính quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 266.942 tỷ đồng, giảm 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, mức giảm tập trung ở nhóm các ngành dịch vụ do lộ trình mở cửa hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 diễn ra vào các tháng đầu năm 2022 như dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, du lịch.

Vì vậy, doanh thu ở các ngành này vẫn còn hạn chế trong quý I/2022. Ngoài ra, còn phải kể đến các nguyên nhân như thu nhập cũng như thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp sau thời gian đầu kết thúc giãn cách, sức mua chưa đạt như kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo Cục Thống kê thành phố, dự báo doanh thu thương mại và dịch vụ trong quý tiếp theo sẽ đạt được mức tăng trưởng dương khi các hoạt động kinh doanh trên địa bàn và sức tiêu thụ của người dân có xu hướng tăng trở lại như hiện nay.

Trong quý I, các chương trình kích cầu, bình ổn giá của thành phố, cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn đang được duy trì hiệu quả, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt hàng trước, trong và sau Tết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục