Quy mô nợ của Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng?

06:30' - 24/06/2024
BNEWS Tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng của Mỹ đã kéo dài trong một thời gian khá lâu và thị trường có những quan điểm khác nhau về điều này.

Khi cả thế giới đang tập trung thảo luận về thời điểm nào Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất, cũng như những thông tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ngày càng nóng lên, thì Bộ Tài chính Mỹ mới đây lại công bố thông tin thâm hụt ngân sách chính phủ liên bang sẽ mở rộng hơn nữa.

Đây là một dữ liệu quan trọng đánh giá quy mô nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng nghiêm trọng của Mỹ đã kéo dài trong một thời gian khá lâu và thị trường có những quan điểm khác nhau về điều này. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà quan sát cho rằng xác suất thắng cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối năm nay không thấp, điều này dẫn đến những lo ngại rằng quy mô nợ của Mỹ có thể phát triển thành một cuộc khủng khoảng nghiêm trọng với tác động lan rộng trong tương lai. Vấn đề này dần lớn lên trở thành điều mà các thị trường chú ý và quan tâm.

Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố, thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang trong tháng 5/2024 là 347 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 240 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023, đồng thời cũng vượt qua mức ước tính của thị trường là 250 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động thanh toán trước một phần phúc lợi tháng 6/2024, cũng như phần chi cho lãi suất, an sinh xã hội và kinh phí quốc phòng gia tăng.

Tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ xấu đi đã xuất hiện từ thời cựu Tổng thống George W.Bush 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa dẫn đến khủng hoảng kinh tế và tài chính nào. Hai đảng lớn của Mỹ vẫn trung thành với cam kết sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách. Đảng Cộng hòa từng tìm cách ngăn chặn chính phủ liên bang nâng trần nợ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden hiện tại, nhưng những động thái này được xem là đấu tranh mang tính chính trị đảng phái hơn là nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách thực sự.

Trên thực tế, dư luận hiện nay khác với những năm 1990. Kết quả khảo sát dư luận khi đó thường cho thấy, thâm hụt ngân sách là một trong những vấn đề được cử tri quan tâm nhất. Điều này buộc đảng Dân chủ và Cộng hòa hợp tác để thu hẹp thâm hụt, giúp Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton đạt được thặng dư ngân sách trong nhiệm kỳ thứ hai. Đáng tiếc, hiện nay thâm hụt ngân sách đã không còn là chủ đề quan trọng được cử tri Mỹ quan tâm, đồng thời hai đảng cũng thiếu thiện chí hợp tác để nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách đang không ngừng phình to.

Thâm hụt ngân sách tiếp tục mở rộng cũng phản ánh vấn đề nợ của Mỹ ngày càng nghiêm trọng. Dữ liệu tháng 5/2024 của Bộ Tài chính cho thấy, dưới gánh nặng của thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và lãi suất cao, quy mô thanh toán lãi ròng cho các khoản nợ của Mỹ đã tăng vượt quá chi tiêu quốc phòng.

Nợ của Mỹ hiện nay khoảng 34.000 tỷ USD, tương đương với tổng giá trị kinh tế của Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh. Tuy nhiê,n vấn đề liệu có đáng lo ngại và cần xử lý khẩn cấp hay không thì hiện nay vẫn tồn tại các ý kiến khác nhau. Nhà kinh tế học nổi tiếng Paul R.Krugman cho rằng, quy mô nợ của Mỹ không đáng ngại và hoàn toàn bền vững. Quy mô nền kinh tế Mỹ rất lớn, tỷ trọng nợ/Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không cao hơn nhiều so với thời điểm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai (WWII), đồng thời cũng không cao hơn tỷ trọng của Nhật Bản và Anh trong giai đoạn đó. Ngoài ra, dư địa tăng thuế của Mỹ vẫn còn rất lớn, do đó vấn đề nợ trên thực tế là vấn đề chính trị, không phải vấn đề kinh tế.

Tuy nhiên, điều chắc chắn là nợ của Mỹ và lãi suất cần thanh toán sẽ tăng chứ không giảm. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự đoán, tỷ trọng nợ/GDP sẽ tăng từ mức 96% hiện nay lên 166% trong 30 năm tới. Hơn nữa, gánh nặng nợ hiện nay sẽ trầm trọng hơn do lãi suất tăng. Trong 20 năm trước đại dịch COVID-19, quy mô thanh toán lãi suất mỗi năm chiếm khoảng 1/3 thâm hụt ngân sách liên bang. CBO ước tính, lãi suất mỗi năm có thể sẽ chiếm 2/3 thâm hụt ngân sách trong vòng 20 năm tới.

Do vấn đề nợ không có dấu hiệu thuyên giảm, nên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức xếp hạng quốc tế đều cho rằng, thời gian Chính phủ Mỹ có thể xem nhẹ vấn đề này đã không còn nhiều. IMF ước tính, đến năm 2029, Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu, nếu không bao gồm lãi vay, có thể sẽ phải tăng thuế lên 4% GDP để ổn định tỷ lệ nợ/GDP. Đồng thời, IMF cũng cảnh báo, việc Mỹ vay nợ với quy mô lớn như vậy đang gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính toàn cầu. Hai tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế là Standard & Poor's (S&P) và Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do quy mô nợ khổng lồ, Moody's cũng đe dọa có động thái tương tự.

Tất nhiên, hiện nay đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới, có nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu. Tất cả các khoản nợ của Mỹ đều tính bằng đồng USD, nếu nói rằng thị trường trái phiếu xuất hiện một cuộc khủng hoảng vỡ nợ của Mỹ thì có lẽ chỉ mang tính báo động. Mặc dù Fed không còn mạnh tay mua trái phiếu kho bạc Mỹ theo chương trình nới lỏng định lượng trước đây và hiện đang dần thu hẹp quy mô, nhưng nhìn chung Fed vẫn có thể đóng vai trò người mua cuối cùng khi cần thiết và Chính phủ Mỹ cũng luôn có thể tạo ra tiền đề trả nợ. 

Liệu nợ của Mỹ có gây ra vấn đề, thậm chí tạo ra một cuộc khủng hoảng hay không? Điều này có lẽ cần phải nhìn vào mức độ mất kiểm soát trong tương lại để xác định. Cho dù là ông Joe Biden hay ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay, thì thị trường cũng đều không lạc quan vào triển vọng quy mô nợ của Mỹ trong tương lai. Cả hai ứng cử viên đều tránh đưa ra ý kiến về việc có nên cắt giảm chi phí chăm sóc y tế và lương hưu cho người cao tuổi hay không. Những khoản chi tiêu này chiếm một phần đáng kể trong ngân sách liên bang, hơn nữa sẽ tăng lên cùng với sự già hóa dân số.

Chuyên gia Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ Bridgewater Associates, khi trả lời phỏng vấn tờ “The Nikkei” đã đưa ra dự đoán rằng, nếu Tổng thống Biden tái đắc cử thì việc mở rộng ngân sách sẽ tiếp tục. Nhưng nếu ông Trump giành chiến thắng thì sẽ là cắt giảm mạnh thuế. Cho dù ứng cử viên nào trở thành tổng thống, thì Mỹ cũng đều sẽ đối diện với tình trạng thâm hụt ngân sách lớn hơn. 

Nếu tái đắc cử, ông Biden có thể sẽ áp thêm thuế đối với người giàu và có quyền lực, cũng như tăng thuế doanh nghiệp. Mặc dù vậy ông cũng sẽ tăng mạnh sự hỗ trợ, bao gồm khôi phục tín dụng thuế hào phóng đối với các gia đình có trẻ nhỏ, tài trợ cho việc chăm sóc trẻ em, xóa nợ cho sinh viên…. Do đó, không có nhiều khả năng tất cả các khoản tăng thuế đều được sử dụng vào việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nếu ông Trump giành chiến thắng thì ông sẽ thực hiện các biện pháp giảm thuế đã tiến hành trong nhiệm kỳ thứ nhất, đồng thời sẽ áp thuế toàn diện đối với hàng hóa nhập khẩu để bù đắp cho nguồn thu thuế bị giảm.  

Có thể thấy rằng, chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống là khác nhau nhưng cùng dẫn đến một kết quả: Nới lỏng ngân sách. Điều này không có lợi cho việc kiềm chế thâm hụt ngân sách liên bang, thậm chí mở rộng quy mô nợ hiện nay. Có thể hình dung đến một mức độ nào đó, các nhà đầu tư trái phiếu Mỹ có yêu cầu lợi nhuận cao hơn. Động thái đó sẽ khiến cho hóa đơn lãi suất của chính phủ liên bang tăng cao.

Nếu Chính phủ Mỹ buộc phải in tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng, thì điều này cũng sẽ khiến cho lạm phát gia tăng, từ đó làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, nếu nợ của Mỹ không được kiểm soát tốt trong tương lai thì nó sẽ làm nảy sinh hàng loạt vấn đề, thậm chí là khủng hoảng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục