Quỹ Phục hồi – "cú hích" cho nền kinh tế EU

12:39' - 01/08/2020
BNEWS Liên minh châu Âu (EU) đã chứng tỏ có khả năng đối phó với các tình huống khó khăn khi đạt được sự nhất trí về việc hỗ trợ những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Thỏa thuận của EU về Quỹ Phục hồi vừa được thông qua mới đây có lẽ chưa làm thỏa mãn mọi nhu cầu của các nước châu Âu, nhưng là điều mà khối này cần hiện nay.

Thay vì mỗi nước phải tự huy động vốn như thường lệ, EU lần này sẽ đứng ra vay tiền trên các thị trường để hỗ trợ các thành viên.

Đồng tâm hợp lực

Sau bốn ngày đêm đàm phán đầy gay cấn, các nhà lãnh đạo châu Âu cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận về Quỹ Phục hồi trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD) cùng với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2027 của khối trị giá 1.074 tỷ euro.

Thỏa thuận về quỹ phục hồi được coi là một cử chỉ đoàn kết nhằm chia sẻ khó khăn với Italy, Tây Ban Nha và một số nước thành viên khác vốn đang bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.

Thỏa thuận này cũng là một bước tiến quan trọng đối với EU cho dù nó vẫn chưa thể giải quyết được những vấn đề sâu xa nhất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Cuộc khủng hoảng COVID-19 lâu nay đã khiến Eurozone phải căng mình chống đỡ và có lúc tưởng chừng liên minh tiền tệ này không còn có khả năng chịu đựng.

Mặc dù gánh nặng do đại dịch gây ra đã được các nước trong EU cùng nhau chia sẻ, nhưng Italy, Tây Ban Nha và Pháp là những quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất ở châu Âu và hiện cũng đang lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất.

Bên cạnh đó, những nước thuộc khu vực Nam Âu, vốn phụ thuộc khá nhiều vào ngành du lịch, dường như đang trong tình trạng phục hồi khá chậm chạp.

Điều tệ hơn nữa là nợ công đang tăng mạnh khắp Eurozone và thậm chí đang vọt lên các mức cao đầy nguy hiểm ở một số nước Nam Âu, đặc biệt là Italy.

Vào lúc dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, các nước Bắc Âu đã khiến người dân Italy “buồn phiền” do những nước này chưa kịp thời có sự hỗ trợ cho đất nước “hình chiếc ủng”.

Thậm chí cả những chính khách có quan điểm ủng hộ châu Âu như Tổng thống Italy Sergio Mattarella đều từng cảm nhận Rome đã bị “bỏ rơi” trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19.

Ngoài sự tổn thất về người, Italy và Tây Ban Nha cũng là những nước bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.

Nhưng một số nhà lãnh đạo châu Âu, chẳng hạn như Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã sớm nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Vào tháng 5/2020, bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất thành lập một quỹ phục hồi trị giá 500 tỷ euro.

Dựa theo đề xuất của Pháp và Đức, Uỷ ban châu Âu (EC) tiếp đó đã tăng giá trị của quỹ này lên tổng cộng 750 tỷ euro, bao gồm các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại.

Thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo EU về Quỹ Phục hồi vào rạng sáng 21/7 được hoan nghênh theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Mặc dù một thỏa thuận kiểu như thế là luôn khả thi, nhưng các nước EU trước đó có lý do để lo ngại rằng tiến trình đàm phán có thể bị kéo dài đến hết năm.

Điều này cũng có thể khiến các nhà hoạch định chính sách bị phân tâm, không còn tâm trí để tập trung vào những ưu tiên khác.

Có thể nói việc đạt được thỏa thuận về Quỹ Phục hồi trước thời điểm các cơ quan của EU đóng cửa bước vào kỳ nghỉ trong tháng Tám cũng đã là một thành công đáng kể.

Quỹ Phục hồi của EU cộng với kế hoạch ngân sách của khối được cho là có quy mô khá lớn. Điểm đáng chú ý đối với Quỹ Phục hồi là, thay vì mỗi nước phải tự huy động vốn, lần này EU sẽ đứng ra vay tiền từ các thị trường – tổng cộng là 750 tỷ euro (trong đó 360 tỷ euro dành để cho vay lãi suất thấp và 390 tỷ euro là viện trợ không hoàn lại).

Đây là một động thái khác xa so với trước đây. Một điểm đặc biệt khác là EU sẽ có thể áp đặt các mức thuế trong khu vực để hoàn trả phần nào cho khoản Quỹ Phục hồi này.

Ngoài ra, Quỹ Phục hồi cùng với kế hoạch ngân sách trị giá gần 1.100 tỷ euro sẽ đòi hỏi các nước thành viên phải có những nỗ lực phối hợp về tài khóa trong bảy năm tới.

Điểm cuối cùng là, gần 1/3 số tiền trong kế hoạch kích thích trọn gói (750 tỷ euro của Quỹ Phục hồi và gần 1.100 tỷ euro của kế hoạch ngân sách dài hạn) – tức khoảng 500 tỷ euro – là dành cho các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, cụ thể là chi cho mục đích phát triển năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng sạch cho ô tô và nhiều công nghệ khác, chẳng hạn như thúc đẩy tính hiệu quả của việc sử dụng năng lượng.

Xét khía cạnh kinh tế của Quỹ Phục hồi, khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 390 tỷ euro dành cho các nước trong vòng ba năm tới sẽ tạo nên "cú hích" đối với nền kinh tế EU.

EC dự báo GDP của EU sẽ sụt giảm khoảng 8,2% trong năm nay, xuống còn 12.800 tỷ euro. Như vậy, khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tương đương với khoảng 3% GDP của EU, tức 1% GDP cho mỗi năm.

Còn đối với Italy, nếu nền kinh tế nước này sụt giảm khoảng 10% trong năm nay, khoản viện trợ không hoàn lại khoảng 81 tỷ euro dành cho họ sẽ lên tới 5% GDP.

Vì vậy, mặc dù là nhỏ hơn nếu so với các gói kích thích tài khóa của nhiều nước, nhưng các khoản viện trợ không hoàn lại của EU sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của những thành viên đang trong tình trạng khó khăn.

Song có một vấn đề là thỏa thuận về Quỹ Phục hồi hiện đòi hỏi phải được các nước thành viên phê chuẩn.

Thậm chí sau khi phê chuẩn, việc thực hiện cũng tương đối phức tạp do nhiều nước, chẳng hạn như Hungary và Ba Lan, có thể phản đối chương trình nghị sự cải cách mà nhiều khoản cho vay và viện trợ dự kiến sẽ đòi hỏi.

Mặc dù vậy, lợi ích lớn nhất của Quỹ Phục hồi là khía cạnh chính trị. EU đang chứng tỏ rằng họ có thể hỗ trợ các nước thành viên trong thời điểm cần kíp nhất.

Đây là một đòn giáng mạnh vào chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cũng như làm giảm bớt tâm lý giận dữ trong công chúng do cuộc khủng hoảng COVID-19.

Thỏa thuận này là mang tính lịch sử bởi vì nó cho phép EU có một khoản nợ chung, điều mà trước đây những nước vốn có quan điểm chặt chẽ nhất trong khối về vấn đề chi tiêu ngân sách chung, chẳng hạn như Đức. luôn phản đối.

Về mặt thể chế, thỏa thuận của EU là một thắng lợi lớn đối với EC, vốn thường bị phớt lờ trong cuộc khủng hoảng Eurozone giai đoạn 2010-2012. EC sẽ là bên được giao trách nhiệm đi vay 750 tỷ euro để tài trợ cho Quỹ Phục hồi, đồng thời là cơ quan trực tiếp rót các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại thông qua ngân sách EU mà EC quản lý.

Và trong khi phải theo dõi việc trả nợ của các nước sau năm 2027, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ giám sát việc tìm kiếm các nguồn thu mới của EU, chẳng hạn như thuế dịch vụ kỹ thuật số hoặc thuế carbon tại các cửa khẩu.

Kỳ vọng Italy

Giới đầu tư đã hoan nghênh thỏa thuận của EU, coi đây là bước tiến quan trọng hướng tới sự hội nhập về tài khóa trong liên minh này.

Các thị trường cũng đã có những phản ứng tích cực, với việc đồng euro trong những ngày qua đã có nhiều phiên tăng mạnh so với đồng USD và đạt tới những mức cao nhất trong khoảng thời gian 1 năm rưỡi trở lại đây. Hy vọng về sự hội nhập tài khóa ở châu Âu cũng khiến trái phiếu chính phủ Italy “tỏa sáng”.

Trong những năm gần đây, các mối đe dọa như khủng hoảng nợ của Hy Lạp hoặc khả năng xuất hiện một chính phủ dân túy ở Italy đều khiến giới đầu tư quan ngại về nguy cơ Eurozone có thể sụp đổ.

Ugo Lancioni, trưởng bộ phận tiền tệ toàn cẩu của công ty quản lý đầu tư tư nhân Neuberger Berman có trụ sở ở Mỹ, cho rằng thỏa thuận về Quỹ Phục hồi của EU đã loại bỏ gần như hoàn toàn nguy cơ liên minh này tan vỡ - một mối rủi ro vốn luôn thường trực trong tâm trí của các nhà đầu tư.

Hiện giới đầu tư đang đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu của châu Âu và đồng euro sau khi EU thông qua Quỹ phục hồi.

Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ dự báo cổ phiếu ở khu vực Eurozone có thể tăng nhiều hơn các khu vực khác trên thế giới khoảng 10%, chủ yếu là cổ phiếu ở Italy và Tây Ban Nha.

Đối với đồng euro, giới đầu tư cho rằng những bước tiến hướng tới sự hội nhập về tài khóa sẽ tăng cường vị thế dài hạn cho đồng tiền chung châu Âu, giúp nó ngày càng trở thành một đồng tiền dự trữ đầy hấp dẫn.

Ngoài việc hỗ trợ các nền kinh tế ốm yếu, việc EU thông qua Quỹ Phục hồi cũng góp phần làm suy yếu các đảng, phái cực hữu vốn có quan điểm chống châu Âu. Chẳng hạn như ở Italy, vị thế của Thủ tướng Giusseppe Conte cũng như của chính phủ liên minh giữa hai đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Dân chủ (PD) hiện đã được củng cố sau khi Quỹ Phục hồi được công bố với Italy dự kiến là quốc gia tiếp nhận tới 81 tỷ euro viện trợ không hoàn lại và 127 tỷ euro các khoản vay (chiếm khoảng 28% Quỹ Phục hồi).

Trong bối cảnh thế giới đang cần có những nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đối phó với sự tác động của đại dịch COVID-19, chắc chắn hành động thông qua Quỹ Phục hồi của EU là một bước đi đúng hướng.

Đây là một thắng lợi chính trị của châu Âu và là dấu hiệu cho thấy dự án xây dựng EU vẫn đang tồn tại và được thúc đẩy một cách tích cực. Và điều quan trọng nhất, nó là biểu hiện cho thấy việc hợp tác với nhau lúc hoạn nạn là vì lợi ích của đa số các nước thành viên trong khối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục