Ra mắt đặc sản chuối tiến vua sấy theo công nghệ Nhật Bản

06:50' - 08/05/2021
BNEWS Sau hồng treo sấy gió sấy khô tự nhiên theo công nghệ Nhật Bản, tỉnh Lâm Đồng hiện đã áp dụng công nghệ này để sản xuất đặc sản chuối Laba sấy dẻo.

Sau hồng treo sấy gió sấy khô tự nhiên theo công nghệ Nhật Bản, tỉnh Lâm Đồng hiện đã áp dụng công nghệ này để sản xuất đặc sản chuối Laba sấy dẻo. Sản phẩm đã ra mắt thị trường với sản lượng khoảng 18 tấn và tiêu thụ chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Sản phẩm chuối Laba sấy dẻo của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Laba (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) được sản xuất dựa trên việc mô phỏng quy trình như hồng sấy gió.

Theo đó, quả chuối già thu hoạch được lựa chọn kỹ càng, sau đó đưa qua băng chuyền rửa bằng nước sạch, rồi đưa vào kho chuyên dụng để ủ chuối với nhiệt độ ủ được điều chỉnh lên 40 độ C giúp quả chuối chín đều trong vòng 3 ngày.

Chuối chín được công nhân lựa chọn, cắt, lột vỏ và đưa qua 2 lần rửa sạch, sau khi sơ chế sạch sẽ được đưa vào lò sấy quạt để làm khô với thời gian hơn 1 tiếng. Sau 36 tiếng đặt trong máy sấy gió sẽ cho ra 1 mẻ chuối sấy dẻo thành phẩm và thường 8 kg chuối tươi mới cho ra 1 kg chuối sấy.

Ông Nguyễn Tấn Chơi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Laba cho biết, trong thời gian qua việc xuất khẩu chuối tươi của đơn vị bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19, chỉ còn 400 tấn/năm, tức 20% sản lượng. Do đó, ông đã cùng nông dân tìm hiểu công nghệ sấy gió Nhật Bản để áp dụng sấy chuối, sau nhiều lần thử nghiệm đã cho ra thành phẩm hoàn thiện, tránh tình trạng đổ bỏ chuối chín và gia tăng giá trị quả chuối Laba.

Chuối Laba còn được mệnh danh là “chuối tiến vua”, là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng với đặc điểm vỏ dày, thịt quả khi chín có mùi thơm, dẻo rất ngon. Thời nhà Nguyễn, chuối Laba được chuyển ra Huế để phục vụ trong bữa ăn của nhà vua và triều đình. Hiện nay, chuối Laba được trồng nhiều ở Lâm Hà, Đức Trọng (Đà Lạt) và được du khách rất yêu thích, tìm mua chuối tươi khi đến du lịch tại thành phố Đà Lạt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục