Ra mắt nền tảng Trợ lý ảo tiếng Việt "Make in Vietnam"

21:26' - 25/09/2020
BNEWS Ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ ra mắt Nền tảng Trợ lý ảo tiếng Việt có tên gọi Viettel Cyberbot.

Đây là nền tảng được phát triển bởi Trung tâm Không gian mạng Viettel (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội) với mục đích giúp các doanh nghiệp tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.
Nền tảng Trợ lý ảo tiếng Việt-Viettel Cyberbot giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với khách hàng bằng tin nhắn (gọi là Chatbot) hoặc bằng giọng nói (gọi là Callbot).

Điểm nổi bật của công nghệ là Viettel Cyberbot là phần mềm được ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể hiểu được nội dung mà khách hàng muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và tự động cải tiến hệ thống liên tục từ chính những tình huống thực tế.

Giải pháp công nghệ “Make in Vietnam” có ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại này được đánh giá có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu khoảng 40% nguồn nhân lực thực hiện công tác chăm sóc khách hàng.

Sử dụng Nền tảng trợ lý ảo Viettel Cyberbot còn góp phần nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Đường chia sẻ, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 được sử dụng trong các sản phẩm công nghệ nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, xã hội số.

Nền tảng Trợ lý ảo tiếng Việt (Viettel Cyberbot) là một trong số 16 nền tảng công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn và giới thiệu trong thời gian vừa qua.

Ngoài khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chăm sóc khách hàng, nền tảng Viettel Cyberbot còn có thể ứng dụng trong nhiều hoạt động khác. Giới thiệu về những tính năng nổi trội của nền tảng Viettel Cyberbot, ông Nguyễn Trọng Đường đề cập đến việc tận dụng ứng dụng này để giải quyết một số vấn đề hiện nay.

Ví dụ như ứng dụng nền tảng này để gọi tự động đến từng người dân tại vùng dịch COVID-19 nhằm khảo sát từng cá nhân đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm hay không.

Hoặc nền tảng này cũng có thể hỗ trợ tư vấn tự động các thông tin y tế, chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân, nhờ đó sẽ giúp tiết kiệm nhiều công sức, tiền của và thời gian cho các cơ quan, tổ chức.
Tính đổi mới khác biệt của nền tảng Viettel Cyberbot là sự kết hợp các công nghệ xử lý giọng nói với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt cùng một thời điểm.

Cụ thể, trong mỗi cuộc gọi giao tiếp với người dùng, hệ thống có thể xử lý đồng thời việc nhận dạng lời nói, phỏng đoán ý định của khách hàng, xử lý thông tin và trả lời khách hàng.

Mức độ xử lý ngôn ngữ giúp giọng nói của Callbot đạt tới mức độ tự nhiên giống đến 95% giọng người thật. Do đó, nền tảng này tạo lên một giải pháp hoàn thiện có tính ứng dụng và linh hoạt cao theo từng tình huống thực tế theo yêu cầu của cá nhân.
Nền tảng Viettel Cyberbot cung cấp hỗ trợ doanh nghiệp tương tác trực tiếp và ngay lập tức, có khả năng tiếp cận khách hàng đa dạng trên các kênh (thoại viễn thông, trang thông tin điện tử website, mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại thông minh mobile).

Doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô khách hàng qua hạ tầng điện toán đám mây theo nhu cầu, hoặc tích hợp nhanh chóng với các hệ thống nội bộ của doanh nghiệp trên nền tảng Viettel Cyberbot.

Thêm vào đó, nền tảng này còn có khả năng xử lý dữ liệu để đưa ra những phân tích chuyên sâu, nhận diện cảm xúc khách hàng trong quá trình tương tác.
Đại diện nhà cung cấp nền tảng cho biết, thời gian tới, nền tảng Viettel Cyberbot sẽ được phát triển thành nền tảng Trợ lý ảo tiếng Việt toàn diện, có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của doanh nghiệp, triển khai hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng độc lập mà không cần có sẵn tổng đài nội bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục