Rà soát đánh giá tác động của quy hoạch đường sắt, hạ tầng đường thủy nội địa

17:29' - 07/09/2021
BNEWS Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung của Quy hoạch mạng lưới đường sắt và Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2025
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 233/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch mạng lưới đường sắt và Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh Bộ Giao thông vận tải đã tập trung, quan tâm đầu tư, chỉ đạo, triển khai công tác quy hoạch, đến nay, đã hoàn thành cả 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải để trình Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ theo đúng quy định trình tự thủ tục của pháp luật về quy hoạch.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan, các thành viên Hội đồng thẩm định các quy hoạch ngành giao thông vận tải đã nỗ lực xây dựng quy hoạch, đóng góp ý kiến nhận xét, phản biện một cách khoa học, công tâm, trung thực, khách quan vì sự nghiệp chung, giúp Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện các quy hoạch ngành giao thông vận tải, trong đó có Quy hoạch mạng lưới đường sắt và Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Thường trực Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung của Quy hoạch mạng lưới đường sắt và Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải trình. Để sớm phê duyệt Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu dự họp, rà soát kỹ, hoàn thiện nội dung và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Thủ tướng lưu ý, Quy hoạch phải bảo đảm các yêu cầu sau: Bám sát các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Chính phủ, cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; cập nhật các nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn để cân đối nguồn lực Nhà nước. Khai thác được tối đa tiềm năng, cơ hội về lợi thế cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực, của từng vùng và khu vực.

Quy hoạch cần bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn xa, chiến lược dài hạn và triển khai thực hiện đầu tư phải phân kỳ hợp lý giữa các ngành, khu vực, cân đối giữa các tuyến, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả.

Các quy hoạch các loại hình giao thông vận tải phải bổ sung, hỗ trợ nhau. Đồng thời, các quy hoạch này phải bổ sung cho các quy hoạch khác, góp phần thúc đẩy, phát triển của ngành và địa phương, nhất là kết nối vùng và liên vùng, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế.

Hướng tuyến quy hoạch phải ngắn nhất có thể, với quan điểm qua sông bắc cầu, gặp núi làm hầm để mở ra không gian phát triển mới, phục vụ khai thác quỹ đất cho đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, dịch vụ, du lịch...

Bên cạnh đó, Quy hoạch phải gắn kết với công tác bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại, gắn kết các cực phát triển trong khu vực; bảo đảm tính lưỡng dụng trong khai thác, sử dụng, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực quốc gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Đối với nguồn vốn đầu tư, phải huy động mọi nguồn lực Nhà nước (bao gồm nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, định hướng phát triển được cụ thể hóa tại các quy hoạch...), đồng thời phải huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện quy hoạch. Phần vốn Nhà nước có vai trò dẫn dắt, kích thích nguồn vốn khác (nguồn lực ngoài Nhà nước) cùng tham gia đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện các Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách gắn với khai thác quỹ đất, phát triển các đô thị, công nghiệp, dịch vụ tạo liên kết chặt chẽ với nhau theo chuỗi; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu của các Quy hoạch đề ra.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát đánh giá tác động của quy hoạch đến môi trường, tác động đến xã hội. Quy hoạch phải đưa ra được kế hoạch thực hiện, có danh mục các dự án với lộ trình đầu tư theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với điều kiện nguồn lực Nhà nước, xã hội. Quá trình tổ chức thực hiện phải linh hoạt, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông (bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, ODA, vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn hợp pháp khác...).

Về tổ chức thực hiện, trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương phải được phân định rõ ràng, không chồng chéo; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, trong đầu tư, gắn trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong triển khai thực hiện quy hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát, để không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước và của xã hội.

Để thực hiện tốt, hiệu quả, bảo đảm đồng bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải sau khi được phê duyệt, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chỉ thị về triển khai thực hiện 5 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, ký quyết định phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có Quy hoạch mạng lưới đường sắt, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục