Rào cản phát triển thương mại điện tử

15:22' - 03/03/2017
BNEWS Ngành thương mại điện tử hiện vẫn tồn tại nhiều vấn nạn tiêu cực, làm cho người tiêu dùng quan ngại và lo lắng về các rủi ro không đảm bảo được quyền lợi chính đáng khi tham gia mua sắm online.
Diễn dàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017 (Vietnam Online Business Forum – VOBF 2017). Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Một trong những rào cản đối với sự phát triển lĩnh vực thương mại điện tử là củng cố niềm tin của người tiêu dùng và xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn dàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2017 (Vietnam Online Business Forum – VOBF 2017), do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 3/3.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công Thương, về mặt pháp lý và chính sách thì tại Việt Nam đã hoàn thiện, đảm bảo cho doanh nghiệp tham gia vào ngành thương mại điện tử thuận lợi.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy ngành thương mại điện tử phát triển, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin đã triển khai nhiều chương trình mua sắm trực tuyến kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng thừa nhận hiện nay ngành thương mại điện tử vẫn tồn tại nhiều vấn nạn tiêu cực, làm cho người tiêu dùng quan ngại và lo lắng về các rủi ro không đảm bảo được quyền lợi chính đáng khi tham gia mua sắm online.

Trước thực trạng này, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin đã và đang nỗ lực nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cường kết nối, từ đó hướng đến minh bạch thị trường và bảo vệ quyền lợi cho các bên.

Năm 2017 được nhận định là năm tiếp tục thuận lợi đối với ngành thương mại điện tử, đồng thời ngành này được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 25% - 30%. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, nhìn chung tiềm năng tăng trưởng ngành thương mại điện tử tại Việt Nam tươi sáng, nhưng để thành công mỗi doanh nghiệp cần có con đường hiệu quả chinh phục thị trường.

Ngoài ra, khó khăn mà doanh nghiệp cần vượt qua phải định hướng chiến lược phát triển làm sao để áp dụng đúng mô hình kinh doanh thương mại điện tử vào doanh nghiệp.

Hiện không ít doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào ngành thương mại điện tử và xác định đây là mục tiêu phát triển lâu dài, nhưng cũng chỉ mới tiếp cận bề nổi như thành lập trang thông tin điện tử, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo... Các doanh nghiệp chưa chú ý các yếu tố tương tác với khách hàng, kết nối chuỗi cung ứng, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin...

Đánh giá về xu hướng phát triển thị trường thương mại điện tử, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết, thị trường không chỉ phát triển dừng lại ở thương mại điện tử mà phát triển lên mức cao hơn là thương mại kết nối, đa kênh.

Trong đó, thương mại kết nối tăng trưởng dựa trên sự gia tăng phát triển kết nối, đô thị hóa, người tiêu dùng, thanh toán điện tử, cải tiến mô hình kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại điện tử không nên quá tập trung thu hút khách hàng bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá mà nên quan tâm đến những yêu cầu cơ bản của khách hàng.

Mặt khác, trong bối cảnh lĩnh vực marketing 4.0 đòi hỏi một thương hiệu, một công ty phải có sứ mệnh, giá trị mới được người tiêu dùng yêu thích, doanh nghiệp cần chủ động đi tìm những vấn đề mới của khách hàng, để đưa ra giải pháp giải quyết và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, đứng trước sự lựa chọn kinh doanh truyền thống hay hiện đại đang gây ra sự băn khoăn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp nên nắm bắt xu hướng marketing liên kết.

Đối với marketing liên kết, miễn sao các doanh nghiệp có cùng khách hàng mục tiêu và không mâu thuẫn hay cạnh tranh quyền lợi thì đều có thể trao đổi dữ liệu khách hàng để hỗ trợ nhau cùng nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục