Rào cản trong quan hệ giữa Mỹ và Brazil

07:03' - 07/03/2018
BNEWS Mỹ và Brazil - hai quốc gia lớn nhất châu Mỹ - đang bất đồng về một loạt vấn đề, từ thép đến ethanol, than đá và Venezuela, và hầu như không có hy vọng họ sẽ hòa giải trong tương lai gần.
Đồng tiền xu 1 USD của Mỹ (trên) và đồng tiền giấy và tiền xu Real của Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Mạng tin của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor có bài viết cho rằng trong một thời gian rất dài, Washington đã hối thúc tự do mậu dịch tại châu Mỹ, song luôn vấp phải sự phản đối của Brazil.

Giờ đây, vai trò đã được hoán đổi. Brazil bắt đầu thúc đẩy tự do thương mại, và phải đối phó với một nước Mỹ có ý định theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.

Thép chỉ là một trong nhiều điểm bất đồng giữa hai nước trong bối cảnh những mâu thuân chính trị cũng chia rẽ Washington và Brasilia, khiến hai nước gần như không có cơ hội sớm tìm ra được thỏa thuận.

Suốt nhiều thập niên, Mỹ đã khuyến khích Brazil gia nhập khu vực tự do mậu dịch tại châu Mỹ, song Brasilia đã khước từ đề nghị của Washington. Thay vào đó, họ tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo khu vực của mình thông qua khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Đối với Brazil, việc Washington muốn thúc đẩy tự do mậu dịch tại châu Mỹ là mối đe dọa đối với tham vọng thành lập một khối khu vực Nam Mỹ có nhiều quyền tự trị hơn, như là Mercosur.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp của Brazil - vốn được lợi từ các biện pháp bảo hộ - đã gây áp lực buộc chính phủ phải khước từ mọi thỏa thuận mậu dịch tự do với Mỹ. Mặc dù thiếu một hiệp ước mậu dịch tự do, Brazil và Mỹ có chung quan hệ kinh tế khá mật thiết.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Brazil sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, trái với quan hệ mậu dịch với Trung Quốc và EU, Brazil nhìn chung thường bị nhập siêu với Mỹ, mặc dù năm ngoái họ xuất siêu 2 tỷ USD với Mỹ.

Mercosur đã bắt đầu giảm bớt sự phản đối đối với việc tự do hóa mậu dịch kể từ năm 2016, khi các chính phủ cánh tả sụp đổ ở Brazil và Argentina, mở đường cho những chính quyền ủng hộ mậu dịch tự do. Kết quả là, trong 18 tháng qua, Mercosur đang theo đuổi các cuộc đàm phán mậu dịch với EU, Canada và một số nước khác.

Do chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thi hành các biện pháp bảo hộ mậu dịch, Mercosur chưa khởi động được các cuộc đàm phán mậu dịch tự do với Washington mặc dù các chính phủ mở cửa kinh tế nhiều hơn ở Brasilia và Buenos Aires mong muốn điều này.

Washington và Mercosur đã tiến hành một số cuộc đàm phán mậu dịch - tuy chỉ về một số vấn đề cụ thể, và không đạt được nhiều thành công. Đơn cử như Argentina đảm bảo được quyền tiếp cận cho chanh của họ vào thị trường Mỹ, song Mỹ lại áp đặt mức thuế cao đối với nhiên liệu sinh học của nước này. Tương tự, Washington cũng đang xem xét áp thuế 54% đối với thép của Brazil trong năm nay.

Brazil có thể trả đũa bằng cách dựng lên những rào cản của mình. Nếu Washington áp thuế đối với thép Brazil, Brasilia có thể áp đặt hạn chế đối với than của Mỹ. Hàng năm, Brazil nhập khẩu hơn 6 triệu tấn than từ Mỹ, là nước mua than của Mỹ nhiều thứ 2, sau Hà Lan.

Tuy nhiên, Brazil hy vọng rằng họ sẽ được hưởng sự miễn trừ đối với thép, vì 80% thép xuất khẩu của họ là sang Mỹ dưới dạng bán thành phẩm được dùng trong các ngành công nghiệp của Mỹ.

Thép không phải là điểm gây bất đồng duy nhất giữa Brazil và Mỹ. Sau khi xuất khẩu ethanol của Mỹ sang Brazil tăng vọt 300% trong nửa đầu năm 2017, Brasilia đã ra quy định rằng lượng ethanol nhập khẩu từ Mỹ được hưởng miễn thuế không được quá 600 triệu lít, và bất kỳ lượng nhập khẩu thêm nào cũng bị áp thuế 20%.

Brazil đã nói bóng gió rằng nước này sẵn sàng bãi bỏ thuế quan đối với ethanol nếu như Washington tái mở cửa thị trường của họ đối với thịt bò Brazil. Tuy nhiên, Mỹ chưa tỏ ra quan tâm đến điều này.

Ngoài mậu dịch, quan hệ Brazil-Mỹ vẫn "băng giá" trong lĩnh vực chính trị. Đầu tháng 2/2018, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới Nam Mỹ để thảo luận về cuộc khủng hoảng Venezuela song không dừng chân tại Brazil.

Brazil cho rằng nước này đóng vai trò quan trọng đối với Venezuela vì hai nước có chung biên giới và đã có khối lượng lớn người Venezuela chạy sang Brazil để thoát khỏi những khó khăn kinh tế và chính trị.

Trong khi đó, Brazil thường xuyên chỉ trích những tuyên bố của ông Tillerson về cách thức tốt nhất để xử lý cuộc khủng hoảng tại Venezuela, với việc Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes bày tỏ bất đồng trước gợi ý của ông Tillerson rằng quân đội Venezuela có thể tạo ra sự thay đổi chính trị.

Ngược lại, Brasilia lập luận rằng phe đối lập Venezuela phải đoàn kết và tự mình giải quyết cuộc khủng hoảng, vì một cuộc đảo chính do nước ngoài hậu thuẫn hoặc những lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ chỉ càng làm trầm trọng thêm tình hình và có nguy cơ khiến có thêm người Venezuela tìm kiếm tị nạn ở Brazil.

Dù là chủ đề là mậu dịch hay chính trị, Brazil và Mỹ đều bị chia rẽ. Những bất đồng mậu dịch xung quanh các vấn đề cụ thể như thép và ethanol, cùng với những quan điểm khác nhau xung quanh cách thức tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela, sẽ ngăn "cặp đôi" này cải thiện mối quan hệ vốn đang xa cách hiện nay. Và chí ít trong năm tới, quan hệ giữa hai quốc gia lớn nhất châu Mỹ sẽ tiếp tục đầy khó khăn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục