REN21: Tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vẫn cao như 10 năm trước

10:02' - 15/06/2021
BNEWS Theo mạng lưới chính sách năng lượng xanh (REN21), thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong tổng tiêu thụ năng lượng hỗn hợp toàn cầu vẫn cao như một thập niên trước.

Theo một báo cáo do mạng lưới chính sách năng lượng xanh REN21 công bố ngày 15/6, thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong tổng tiêu thụ năng lượng hỗn hợp toàn cầu vẫn cao như một thập niên trước, bất chấp sự sụt giảm giá năng lượng tái tạo và sức ép gia tăng đối với các nước về hành động chống biến đổi khí hậu.

REN21 cho biết thị phần của nhiên liệu hóa thạch trong hỗn hợp năng lượng tiêu thụ toàn cầu là 80,2% trong năm 2019, không khác nhiều so với mức 80,3% vào năm 2009, trong khi năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời chiếm 11,2% trong cơ cấu năng lượng năm 2019 và 8,7% vào năm 2009.

Phần còn lại của hỗn hợp năng lượng bao gồm năng lượng sinh khối, được sử dụng phần lớn để nấu ăn hoặc sưởi ấm trong nhà tại các nước đang phát triển.

Rana Adib, Giám đốc điều hành của REN21, cho biết thế giới đang đối diện với một thực tế là chính sách chống biến đổi khí hậu trong mười năm qua hầu như chỉ là "những lời nói suông", khi tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong mức tiêu thụ năng lượng gần như không thay đổi.

Báo cáo cho biết việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục, trước đà tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu và hoạt động đầu tư vào các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới trong khi việc sử dụng năng lượng sinh khối như gỗ hoặc chất thải nông nghiệp trong sưởi ấm và nấu ăn, thấp hơn.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt và dầu mỏ tạo ra CO2 - khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nhân tố chính góp phần vào tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Trong bối cảnh lượng phát thải CO2 trong khí quyển đang tăng lên mức kỷ lục, ngày càng có nhiều lời kêu gọi các chính phủ cắt giảm lượng khí thải mạnh hơn và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo báo cáo, ở nhiều quốc gia và khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và các nước Liên minh châu Âu việc xây dựng các nhà máy điện gió hoặc điện Mặt Trời mới hiện nay rẻ hơn so với việc vận hành các nhà máy nhiệt điện chạy than hiện có.

Báo cáo cho biết năng lượng tái tạo cũng đang cạnh tranh với các nhà máy sản xuất điện bằng khí đốt tự nhiên về chi phí và là nguồn sản xuất điện mới rẻ nhất ở các quốc gia trên tất cả những lục địa lớn.

Báo cáo cho biết thêm tại nhiều quốc gia, các gói phục hồi kinh tế thời COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động đầu tư hơn nữa vào năng lượng tái tạo, song các khoản đầu tư vào năng lượng sạch chỉ chiếm khoảng 1/6 so với đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục