Roadshow của PV Power thu hút quan tâm của giới đầu tư

20:01' - 16/01/2018
BNEWS Những rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu của PV Power là nội dung chính mà các nhà đầu tư “truy” đại diện PV Power nhiều nhất tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu PV Power” chiều 16/1 tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo "Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu PV Power" chiều 16/1/2018 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN
Những rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là nội dung chính mà các nhà đầu tư “truy” đại diện PV Power nhiều nhất tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu PV Power” chiều 16/1 tại Hà Nội. 

*Rủi ro về giá khí 

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư tại hội thảo chiều 16/1, ông Barry Weisblatt, Giám đốc bộ phận phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Bản Việt -đơn vị tư vấn của PV Power cho biết, rủi ro lớn nhất hiện nay khi đầu tư vào cổ phiếu PV Power chính là giá khí. 

Theo tính toán của Bản Việt, với chi phí nhiên liệu (bao gồm khí và than) chiếm khoảng 71% giá thành sản xuất điện của PV Power, việc giá khí biến động theo sát giá dầu trên thị trường sẽ ảnh hưởng nhiều nhất tới lợi nhuận của PV Power trong tương lai. Đặc biệt, phần khí PM3 Cà Mau mà PVN phải mua lại của Petronas để bù đắp sản lượng khí sụt giảm cung cấp cho nhà máy điện Cà Mau 1 & 2 trong thời gian tới cũng sẽ cao hơn so với giá khi PM3 hiện nay. Vì vậy, đây cũng là rủi ro cần tính tới, ông Barry Weisblatt nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm này, ông Nhữ Đình Hoà, đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng chỉ rõ, với tỷ trọng công suất của các nhà máy nhiệt điện khí chiếm hơn 60% tổng công suất phát điện của PV Power, nếu giá dầu thế giới tăng thì giá khí cũng bị tăng theo. Tuy nhiên, với dự báo giá dầu của thế giới trong năm 2018 và các năm tới không thể tăng đột biến về mức gía cao như trước đây thì mức độ ảnh hưởng cũng sẽ không lớn. 

Bên cạnh đó, với tỷ trọng của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng chiếm tới 25% tổng sản lượng điện phát của PV Power, giá nhiên liệu than đầu vào cho Nhiệt điện Vũng Áng đang được PV Power thông qua việc nhập khẩu từ Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng sẽ có rủi ro về biến động giá nhất định, làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất điện của Nhà máy này, đại diện chứng khoán Bảo Việt cho hay. 

Tuy nhiên, ông Đinh Văn Sơn, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - đơn vị hiện đang nắm 100% vốn chủ sở hữu của PV Power cho biết, ngay cả sau khi cổ phần hoá và PVN chỉ còn nắm 51% vốn chủ sở hữu thì PVN vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn nhiên liệu đầu vào là khí và than cho PV Power phát điện để đảm bảo an ninh năng lượng. Thêm vào đó, PVN vẫn là cổ đông lớn nhất của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) nên việc cân đối nguồn khí cho phát điện của PV Power không đáng lo ngại. 

Về những lo ngại của nhà đầu tư do nguồn khí sụt giảm có thể ảnh hưởng tới sản lượng điện của các nhà máy của PV Power tại khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian tới, đại diện PVN, ông Đinh Văn Sơn cho biết, nguồn khí cung cấp cho khu vực Đông Nam Bộ từ các mỏ khí Lan Tây Lan Đỏ, Hải Thạch Mộc Tinh, Sư Tử Trắng tuy có giảm sút vãn vẫn ưu tiên cho phát điện. Bên cạnh đó, PVN cùng với PV Gas đang đẩy nhanh dự án Nam Côn Sơn giai đoạn 2 cũng như đàm phán với Petronas Malaysia mua phần khí PM3 Cà Mau để đảm bảo khí cho phát điện. Ngoài ra, PVN và Petronas đang bàn phương án nhập khẩu khí cho sản xuất điện qua cảng Thị Vải. Vì vậy, việc cân đối nguồn khí nhiên liệu cho phát điện vẫn trong tầm kiểm soát của PVN, ông Đinh Văn Sơn cho biết. 

Đại diện chủ đầu tư PV Power trong phiên hỏi đáp với các nhà đầu tư tại Hội thảo chiều 16/1/2018 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN.
*Rủi ro liên quan tới thị trường điện 

Tại hội thảo này, nhiều câu hỏi của nhà đầu tư tập trung vào những rủi ro liên quan tới việc huy động nguồn nhiệt điện của PV Power. 

Một chủ đầu tư bày tỏ lo lắng việc huy động cao sản lượng từ các nhà máy thuỷ điện (có giá thành thấp nhất) như năm 2017 vừa qua khi tình hình thuỷ văn nhiều mưa nhiều lũ đã không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng điện huy động từ các nhà máy nhiệt điện khí và than của PV Power mà còn ảnh hưởng tới giá bán điện của PV Power. 

Thực tế là năm 2017, các nhà máy điện khí và than của PV Power được huy động ít hơn so với mọi năm do nước nhiều và các nhà máy thuỷ điện trên hệ thống phải phát hết công suất. Thêm vào đó, giá điện bình quân năm 2017 khi tham gia thị trường điện thấp hơn 2015, 2016 khoảng 633 đồng/kWh. 

Giải đáp những lo lắng này, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, với tổng công suất hiện tại lên tới 4.200 MW, chiếm 11% công suất toàn hệ thống điện Việt Nam và các nhà máy quan trọng của PV Power như Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2 đều nằm trong khu vực phía Nam -nơi có nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn nhất cả nước với khoảng 50% thì việc huy động điện năng vẫn được đảm bảo kể cả khi thuỷ điện được huy động cao. 

Với Nhiệt điện Vũng Áng, khả năng huy động điện lên hệ thống cũng được đảm bảo nhờ được xây dựng tại Miền Trung, khu vực có mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện lên tới 14.6%/năm từ nay đến năm 2010 và là 10.4% từ năm 2020-2025, đại diện tư vấn Bản Việt cho biết. 

Giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư về việc năm 2017, Nhiệt điện Vũng Áng không phát hết công suất, Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Xuân Hoà cho biết, việc phát không hết công suất này liên quan tới đến công tác kỹ thuật của Nhà máy. Thực tế là, Nhà máy chỉ chạy 1 tổ máy từ tháng 1 đến tháng 5/2017. Sau đó, từ tháng 5 trở đi, Nhà máy mới chạy cả 2 tổ máy. Thêm vào đó, trong tháng 10/2017, Bộ Công Thương quyết định tạm ngưng thị trường điện nên cũng ảnh hưởng tới việc huy động sản lượng từ Nhiệt diện Vũng Áng . Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện hạn chế như vậy, Nhiệt điện Vũng Áng theo tính toán của PV Power đã đạt lợi nhuận từ 800-1.000 tỷ đồng nên nếu nhu cầu điện tăng cao thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều, ông Hoà cho biết. 

Đại diện Công ty Bản Việt cũng cho biết, giá điện của PV Power ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam là các hợp đồng mua bán điện mang tính dài hạn. Theo đó, hợp đồng mua bán điện (PPA) của Cà Mau 1 & 2 là 20 năm và theo công suất tin cậy. 

Trong khi đó, PPA của Vũng Áng và Nhơn Trạch 1 &2 ít nhất là 10 năm và khi tham gia vào thị trường điện cạnh tranh, 80% sản lượng đã được thanh toán theo giá hợp đồng có sẵn, chỉ khoảng 20% là thanh toán theo giá thị trường nên việc ảnh hưởng giữa giá thuỷ điện và nhiệt điện cũng không đáng lo ngại. 

* Rủi ro liên quan tới OceanBank, Nhiệt điện Thái Bình 2 

Tại hội thảo này, nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ sự lo lắng về khoản tiền gửi của PV Power tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đang bị Ngân hàng Nhà nước phong toả. 

Trước băn khoăn này, Chủ tịch PV Power Hồ Công Kỳ - Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết, khoản tiền gửi tại OceanBank là 17 tỷ đồng và chỉ chiếm rất nhỏ so với vốn điều lệ trên 23.400 tỷ đồng của PV Power. Bên cạnh đó, khoản tiền này được phong toả theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước nhưng PV Power vẫn nhận được lãi đều đặn từ ngân hàng. Trong thời gian tới, khoản tiền này sẽ được giải quyết như thế nào sẽ phụ thuộc vào hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể yên tâm, ông Kỳ trấn an. 

Đại diện PVN Đinh Văn Sơn cũng cho biết, hiện tập đoàn và một số đơn vị thành viên khác của PVN này cũng có khoản tiền gửi tại OceanBank và vẫn được nhận lãi bình thường. Đặc biệt, Ngân hàng OceanBank hiện do Ngân hàng Nhà nước quản lý nên PVN hoàn toàn yên tâm. 

Giải đáp băn khoăn của Nhà đầu tư về mối liên hệ giữa Nhiệt điện Thái Bình 2 và PV Power, Tổng Giám đốc PV Power Nguyễn Xuân Hoà cho biết, năm 2008, PV Power được PVN giao cho làm chủ đầu tư dự án này. Tuy nhiên, đến năm 2012, PVN đã thu lại quyền chủ đầu tư nên đến thời điểm hiện tại, PV Power không có liên quan gì với dự án này. Tuy nhiên trong thời gian tới, PV Power có thể cung cấp dịch vụ bảo hành sửa chữa cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khi đi vào phát điện./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục