Rộn ràng “Kinh đô” bún khô, bánh tráng An Thái

09:38' - 29/01/2019
BNEWS Những ngày giáp Tết Nguyên đán là lúc không khí sản xuất, buôn bán càng thêm hối hả, tấp nập tại làng nghề bún khô, bánh tráng An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).
Người dân làng nghề An Thái thu bún vàng sau khi phơi. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Nghề thủ công truyền thống quý báu từ thời cha ông truyền lại đã giúp cho hàng trăm gia đình trong làng có thu nhập ổn định, đời sống khá giả.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ, trưởng thôn An Thái vui vẻ dẫn đường cho nhóm phóng viên tham quan làng nghề. Đi qua cổng làng nghề An Thái, ấn tượng đầu tiên là con đường làng quanh co được “trang trí” bằng hàng trăm vỉ tre phơi bánh tráng.

Đi hết “con đường bánh tráng” là đến khu sân phơi tập trung của cả thôn. Chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi hàng nghìn sạp phơi bún, bánh tráng trải rộng hàng chục hécta. Hàng trăm người hối hả liên tục phơi và thu các vỉ bánh tráng, bún khô thành phẩm, tiếng nói cười, tiếng gọi nhau nở rộ một góc trời.
Ông Sơn cho biết, hiện nay cả thôn đang có 52 hộ sản xuất bánh tráng, 18 hộ sản xuất bún khô và 8 hộ sản xuất bún Song Thằn (bún khô làm từ đậu xanh). Không ai biết nghề làm bún khô, bánh tráng của thôn bắt đầu từ bao giờ, nhưng trải qua hàng trăm năm thăng trầm, nghề truyền thống này đã gắn bó với bao thế hệ người An Thái.

Làng An Thái, từ già, trẻ, lớn, bé đều biết làm nghề truyền thống tráng và phơi bánh tráng. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

“Năm nay thời tiết mưa nắng thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất của bà con. Nhưng cứ khi nào thời tiết thuận lợi thì hàng làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Nhất là vào dịp giáp Tết nguyên đán, thương lái từ khắp nơi đổ về nhập hàng, dân làng không làm kịp để bán, những hộ chăm chỉ sản xuất có thể thu về hàng triệu đồng mỗi ngày.” - Ông Sơn vui mừng nói.
Dưới ánh nắng buổi trưa chói chang, chị Nguyễn Thanh Nga (thôn An Vinh, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định) vẫn miệt mài đẩy từng xe bún ra sân phơi. Chị là nông dân, lúc nông nhàn tranh thủ tới đây làm thuê cho các hộ sản xuất bún, bánh. Theo chị thì công việc này không nặng nhọc, vất vả bằng làm ruộng, nhưng lại cần nhanh nhẹn và luôn tay luôn chân cho kịp với thời tiết.
Chị Nga chia sẻ: “Nhà tôi có 5 sào ruộng với nuôi 2 con bò, tôi tranh thủ tới đây làm thuê để kiếm tiền nuôi các con ăn học, tiền công từ 200.000 đến 250.000 đồng/ngày, tùy thời vụ. Nhờ có làng nghề này nên bà con các thôn, xã lân cận có công việc ổn định, có thu nhập trang trải cuộc sống, không phải đi làm công nhân xa nhà.”
Tại các hộ sản xuất trong thôn, không khí công việc cũng hết sức rộn ràng, luôn có khoảng 5 đến 10 nhân công nhịp nhàng các thao tác đổ bún, tráng bánh, đưa lên vỉ để mang ra sân phơi. Ông Lý Văn Thành, chủ cơ sở bún khô Thành Sang cho biết mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất khoảng 1 đến 1,5 tấn gạo nguyên liệu nhưng vẫn không đủ cung cấp ra thị trường.

Một góc sân phơi chung cạnh dòng sông Kôn của làng An Thái, nơi còn nổi danh với những đường quyền "Roi Thuận Truyền - Quyền An Thái". Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Ông Thành lý giải: “Bún khô, bánh tráng của thôn An Thái từ lâu đã nức tiếng thơm ngon trong khu vực miền Trung vì được làm từ các loại gạo chất lượng cao và hoàn toàn không có chất bảo quản, phụ gia. Ngày Tết các gia đình thường sử dụng bún khô để kết hợp linh hoạt trong các món ăn nên bán rất chạy, các thương lái từ Đà Nẵng đến Cà Mau đều ưa chuộng sản phẩm ở đây. Một lý do nữa là tuy có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhưng giá thành sản phẩm lại khá rẻ, bún khô được bán cho thương lái với giá chỉ 14.000 đồng/kg.”

Nghề tráng bánh tráng. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Trong dịp Tết, làng nghề An Thái giải quyết công việc cho hàng trăm nhân công nhàn rỗi với mức thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày, còn các chủ cơ sở sản xuất thì thu về khoảng 1 triệu đồng/ngày. Nhờ đó đời sống của bà con trong thôn rất ổn định, nhà cửa khá giả, nhiều hộ sản xuất đầu tư cả xe tải để chở hàng đi tiêu thụ.
Làng nghề An Thái được như hôm nay, một phần cũng nhờ định hướng phát triển đúng đắn, bền vững của Đảng ủy, chính quyền địa phương. Ông Mai Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Phúc nói: Trong thời gian qua, xã đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ sản xuất phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một góc sân phơi chung cạnh dòng sông Kôn của làng An Thái, nơi còn nổi danh với những đường quyền "Roi Thuận Truyền - Quyền An Thái". Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Xã đã quy hoạch thêm khu sân phơi tập trung rộng 2,6 ha ở các thôn Mỹ Thạnh và thôn Thắng Công; phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ đăng ký nhãn hiệu tập thể bún khô An Thái; kêu gọi toàn dân đóng góp mở rộng, bê tông hóa 100% đường giao thông thôn xóm để phục vụ sản xuất, buôn bán…
Nhờ vậy, năm 2018, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ước đạt 134 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Trong thời gian tới, xã đang quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư để hình thành khu vực sản xuất tập trung các ngành nghề thủ công truyền thống, tách riêng ra khỏi khu dân cư.

Từ đó sẽ đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình liên kết sản xuất hiệu quả, tăng năng suất lao động. Xã cũng đang tìm hiểu để có thể kết hợp vừa sản xuất vừa tổ chức các tour du lịch trải nghiệm cho du khách, giới thiệu về các đặc sản truyền thống địa phương, nơi được mệnh danh là “đất trăm nghề” của Bình Định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục