Rủi ro thị trường tài chính sẽ tạo nguy cơ với tăng trưởng Đức

19:01' - 25/08/2018
BNEWS Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức (BaFin) ngày 24/8 cảnh báo rủi ro của các thị trường vốn có thể tạo ra nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế tại nước này.
BaFin ngày 24/8 cảnh báo rủi ro của các thị trường vốn có thể tạo ra nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế tại nước Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Môi trường tài chính của Đức dường như được thống trị bởi hàng nghìn ngân hàng bán lẻ và ngân hàng tiết kiệm truyền thống có xu hướng “bám rễ” sâu tại những vùng miền cụ thể. 

Phát biểu với tạp chí Wirtschaftswoche, Giám đốc BaFin Raimund Roeseler nhấn mạnh đến xu hướng những ngân hàng cho vay nhỏ hơn và tập trung hơn về vùng miền đã làm giảm sự sẵn có của các thể chế tài chính Đức vốn được cho là có thể đóng vai trò là những đối tác mạnh trong các giao dịch quốc tế.

Giám đốc BaFin nhấn mạnh: “Chúng ta cần một ngân hàng toàn cầu, lớn, có thể đồng hành với các công ty của chúng ta ở nước ngoài”.

Deutsche Bank, ngân hàng đơn lẻ lớn nhất của Đức, là một điển hình về phát triển theo quan điểm của Giám đốc Roeseler.

Ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt này gần đây thông báo đã rút khỏi thị trường ngân hàng đầu tư Mỹ để cải thiện lợi nhuận và để khép lại các vấn đề về pháp lý bấy lâu nay liên quan đến hành vi phạm pháp của văn phòng của ngân hàng này tại New York, Mỹ. Deutsche Bank hiện nay vẫn là ngân hàng có quy mô toàn cầu thực sự duy nhất của Đức.

Giám đốc Roeseler cảnh báo rằng cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những ngân hàng nhỏ hơn này về các khoản cho vay thị trường dành cho khách hàng Đức đã làm giảm chất lượng bảo hiểm, cụ thể là sự sụt giảm trong các tiêu chuẩn, đặc biệt liên quan đến các khoản cho vay đối với doanh nghiệp.

Lãnh đạo Roeseler lưu ý tất cả các thể chế đều muốn mở rộng song nhiều thể chế đang theo đuổi một mô hình kinh doanh giống nhau.

Giám đốc Roeseler hối thúc các ngân hàng bắt đầu chuẩn bị cho sự đảo ngược mang tính tất yếu về tăng trưởng và chu kỳ tín dụng hiện nay thông qua việc cắt giảm chi phí hơn nữa.

Nếu không, theo lãnh đạo BaFin, những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị “phơi nhiễm” một làn sóng vỡ nợ tiềm ẩn tương tự làn sóng được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008.

Kinh tế Đức chịu tác động từ khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục