Ruộng vẫn "khát nước" dù đã có kênh thủy lợi

13:10' - 10/06/2018
BNEWS Nước đã chảy về kênh thủy lợi sau Cần Đơn sau hơn 10 năm thi công “ì ạch” giải quyết hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp của người dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước.

Thế những, niềm vui có nước của người dân vùng biên chưa trọn vẹn thì xuất hiện những bất cập, nguy cơ đuối nước, việc đi lại, sản xuất,… gặp khó khăn.

Dự án từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có tổng kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng, với chiều dài kênh chính trên 18 km và hàng chục km kênh phụ đi qua thị Trấn Thanh Bình, xã Thanh Hòa, Tân Tiến… giải quyết nước tưới tiêu cho hơn 4.000 ha đất nông nghiệp.

Thế nhưng sau khi kênh được vận hành, một số hộ dân tại các xã, thị trấn có tuyến kênh đi qua đang rất bức xúc trước việc công trình này nằm cao hơn so với ruộng, không có kênh dẫn nước vào ruộng. Mặc dù ruộng lúa nằm sát với tuyến kênh, nhưng vẫn có không ít diện tích lúa của nông dân luôn trong tình trạng “khát nước” do đường dẫn quá xa.

Vào thời điểm này, hầu hết diện tích lúa vụ Đông Xuân của bà con đang ở thời kỳ làm đòng nhưng có nguy cơ hạt lép nếu không cung cấp đủ nước kịp thời. Ông Nguyễn Văn Bo, ngụ ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình có hơn 0,6 ha ruộng ở cạnh bờ kênh. Trước đây ông Bo canh tác mỗi năm làm 2 vụ lúa. Để lấy nước vào ruộng, gia đình ông chỉ cần khơi thông bờ ruộng là nước tự chảy vào. Từ khi công trình thủy lợi này hoàn thành gia đình ông Bo chỉ còn 0,25 ha ruộng và canh tác đúng 1 vụ do việc dẫn nước vào ruộng rất khó khăn, kênh tiêu có nước thì sâu hơn mặt ruộng.

Để có nước vào ruộng lúa, gia đình ông Bo cũng như nhiều hộ dân ở ấp Thanh Tâm phải tự bỏ tiền mua các loại ống nhựa để “tải” nước vào ruộng. Ông Nguyễn Văn Bo chia sẻ, từ khi kênh thủy lợi được đưa vào sử dụng, bà con lấy nước từ kênh thủy lợi vào đồng cũng rất khó. Ông mong cơ quan chức năng giải quyết làm sao để có nước vào ruộng thuận tiện.

Còn bà Nguyễn Thị Trên, cũng ở ấp Thanh Tâm bức xúc: “Lúc làm kênh thủy lợi này bà con phấn khởi lắm. Trước đó dự án nói có nước dẫn xuống ruộng nhưng rồi làm kênh xong nhiều hộ dân ở ấp Thanh Tâm không có nước xuống ruộng. Trong quá trình triển khai công trình thủy lợi này, bà con đã yêu cầu đơn vị thi công kiểm tra xem công trình xây dựng như vậy có hợp lý chưa nhưng họ khăng khăng nói làm đúng thiết kế.

Ngoài ra, kênh thủy lợi sau Cần Đơn được xây dựng độ nghiêng thành hai bên hình chữ V, với độ nghiêng lớn nên rất trơn. Lúc người dân cần lấy nước ở kênh để sử dụng trong sinh hoạt cũng rất khó khăn và nguy hiểm. Dọc tuyến kênh hiện có nhiều hộ dân sinh sống và phương tiện qua lại nên nguy cơ tai nạn trượt xuống kênh rất cao."

Hệ thống kênh dẫn dài, nhiều đoạn không che chắn, không biển cảnh báo nguy hiểm nên tiềm ẩn đuối nước trẻ em, nhất là vào mùa Hè. Gia đình anh Hồ Minh Tài, ấp Thanh Tâm, thị trấn Thanh Bình sống ở đây nhiều năm cho hay, khi kênh đi qua có nước gia đình rất lo lắng cho con trai nhỏ hơn 5 tuổi.

Hàng ngày hai vợ chồng anh đi làm thuê và gửi con cho bà nội trông coi. Có lần bà mải chăn bò không để ý nên cháu bé bị trượt chân rớt xuống kênh. Rất may bà phát hiện kịp thời kéo lên thoát đuối nước. Hầu hết kênh đi qua gần nhà và thiết kế kênh thành bờ hình chữ V nên nếu lỡ trượt chân xuống nước thì rất nguy hiểm, nhất là trẻ em không có chỗ bám.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình Trần Công Kích cho biết, cách đây hơn 3 tháng trong cuộc làm việc giữa UBND thị trấn với Ban quản lý thủy nông tỉnh và các ngành chức năng tỉnh, bà con địa phương đã kiến nghị thực trạng trên xong đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết.

Trước mắt, thị trấn đã chỉ đạo cho cán bộ giao thông thủy lợi, trưởng các khu phố, ấp đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống đuối nước. Những nhà có cháu nhỏ đi lại cần có người lớn trông coi tránh tình trạng xấu xảy ra.

Việc nhiều đoạn đường kênh thủy lợi sau Cần Đơn “hở” cũng như các bất cập được cơ quan chức và các đơn vị liên quan bàn bạc. “Chúng tôi muốn kiến nghị các ngành chức năng xem xét khảo sát lại những chỗ nào tuyệt đối nguy hiểm cần có giải pháp làm các rào chắn và phối hợp với địa phương tuyên truyền để làm sao giảm thiểu tối đa tình trạng đáng tiếc sẽ xảy ra", ông Trần Công Kích nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục