S&P hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nam Phi năm 2020

10:55' - 15/07/2020
BNEWS Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) dự báo kinh tế Nam Phi có thể tăng trưởng âm tới 6,9% trong năm 2020, cao hơn so với mức dự báo âm 4,5% mà tổ chức này đưa ra trước.

Ngày 14/7, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) dự báo kinh tế Nam Phi có thể tăng trưởng âm tới 6,9% trong năm 2020, cao hơn so với mức dự báo âm 4,5% mà tổ chức này đưa ra trước đó do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện diễn biến ngày càng phức tạp tại quốc gia có trình độ công nghiệp hóa cao nhất châu Phi này.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, dự báo mới nhất của S&P đưa ra trong bối cảnh Nam Phi mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 12.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nằm trong top ba nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới sau Mỹ và Brazil. Tính đến hết ngày 14/7, Nam Phi có 298.292 ca mắc COVID-19, đứng trong top 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch thế kỷ này.

Trong thông báo cùng ngày, S&P nêu rõ tình hình dịch COVID-19 tại Nam Phi đã diễn biến theo chiều hướng xấu hơn rất nhiều so với thời điểm trước đó khi tổ chức xếp hạng này dự báo mức tăng trưởng kinh tế âm 4,5%. Trên thực tế, ngay cả trước đại dịch, kinh tế Nam Phi đã gặp khó khăn triền miên trong nhiều năm.

Hồi tháng 4/2020, S&P cùng hai hãng xếp hạng tín dụng khác là Moody's và Fitch cũng từng hạ xếp hạng tín dụng của Nam Phi xuống mức “vô giá trị”, nghĩa là không đáng đầu tư.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nam Phi do S&P dự báo vẫn còn khả quan hơn so với dự báo do Bộ trưởng Tài chính Tito Mboweni đưa ra trước đó. Hôm 1/7, ông Mboweni đưa ra nhận định rằng kinh tế Nam Phi sẽ tăng trưởng âm 7,2% trong năm 2020 do những tác động của đại dịch COVID-19, mức sụt giảm sâu nhất trong 90 năm qua kể từ thời kỳ Đại Suy thoái hồi thập niên 1930.

Trong nỗ lực làm dịu bớt những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế do đại dịch COVID-19, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hồi tháng Tư vừa qua công bố gói cứu trợ kinh tế trị giá 28 tỷ USD, tương đương với khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia 59 triệu dân này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của S&P, gói cứu trợ trên thực ra mới chỉ “khỏa lấp’’ được một phần nhỏ trước sự đổ vỡ nhãn tiền của nền kinh tế vốn đã rất mong manh trong cả thập niên qua, đó là chưa tính tới tình huống khi nguồn thu ngân sách giảm nghiêm trọng do COVID-19, nợ công của Nam Phi sẽ tiếp tục tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục