S&P: Kinh tế Anh và Eurozone có thể suy thoái do dịch COVID-19

07:00' - 27/03/2020
BNEWS Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến kinh tế Anh và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) rơi vào suy thoái trong năm nay.
 Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global ngày 26/3 nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến kinh tế Anh và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) rơi vào suy thoái trong năm nay.

S&P nhận định, với mức giảm 2%, GDP của Anh sẽ thiệt hại khoảng 420 tỷ euro (460 tỷ USD) trong năm 2020, so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 11/2019. Cơ quan này cho rằng kinh tế nước này sẽ từng bước phục hồi, ít nhất là 3% trong năm 2021.

Theo S&P, những phản ứng chính sách nhanh và mạnh hiện nay sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc giúp kinh tế Anh tránh được những thiệt hại về lâu dài.

Trong khi đó, với Eurozone, S&P cho rằng rủi ro đến từ việc dịch có thể kéo dài và lan rộng hơn dự báo hiện nay. Cơ quan này hiện cho rằng các biện pháp phong tỏa trong bốn tháng có thể khiến GDP của khối này giảm tới 10% trong năm nay.

Đối với từng nền kinh tế, S&P nhận định kinh tế Italy (I-ta-li-a), quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh, sẽ giảm 2,6%, Tây Ban Nha giảm 2,1%, Đức giảm 1,9%, còn Pháp giảm 1,7%.

Ngày 25/3, cơ quan xếp hạng khác là Moody's dự báo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể suy thoái trong năm nay do dịch COVID-19.

Moody's ước tính, tổng GDP của G20 sẽ giảm 0,5%, với kinh tế Mỹ giảm 2% và Eurozone giảm 2,2%.

Tuy nhiên, Trung Quốc, nơi khởi phát dịch, có thể chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng 3,3%, dù thấp hơn nhiều mức trung bình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Sư lây lan của dịch bệnh đã khiến 3 tỷ người trên toàn cầu bị phong tỏa và các nhà kinh tế cho rằng những hạn chế như vậy có thể gây ra một cuộc suy thoái khốc liệt nhất trong lịch sử gần đây. 

Các ngân hàng trung ương và các chính phủ đã đưa ra các gói chính sách tiền tệ và tài khóa lớn chưa từng có tiền lệ để thúc đẩy nền kinh tế.

Để ngăn chặn tình trạng thắt chặt nguồn tín dụng, các ngân hàng trung ương đã bơm thanh khoản và hạ lãi suất cũng như thực hiện các chương trình mua tài sản quy mô lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục