Sabeco tái cấu trúc hệ thống quản trị nâng cao năng lực hấp dẫn nhà đầu tư

13:16' - 08/12/2016
BNEWS Để nâng cao năng lực cạnh tranh, hấp dẫn nhà đầu tư, Sabeco đã quyết liệt tái cấu trúc hệ thống quản trị cũng như cải tổ mang tính cách mạng.
 Chủ tịch HOSE Trần Văn Dũng (phải) trao quyết định niêm yết cho Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco Ảnh : Hoàng Hải/TTXVN

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về hoàn tất các thủ tục niêm yết cổ phiếu, Sabeco đã quyết liệt tái cấu trúc hệ thống quản trị cũng như cải tổ mang tính cách mạng.

Theo ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco, ngoài yếu tố thuận lợi từ tốc độ tăng trưởng ngành, kết quả kinh doanh tích cực của Sabeco có dấu ấn không nhỏ từ các định hướng chiến lược và kế hoạch tái cấu trúc hệ thống quản trị.

Cụ thể, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, với sự hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sabeco đã khẩn trương triển khai thủ tục niêm yết cổ phiếu với mã SAB tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE).

Sau 141 năm hình thành và phát triển, 39 năm xây dựng thương hiệu Bia Sài Gòn, Sabeco đã trở thành thương hiệu hàng đầu tại thị trường bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, đồng thời, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ biết đến.

Năm 2015, Sabeco đã vươn lên vị trí 17 trong các Tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, Top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu Đông Nam Á và là thành viên của Học viện Bia Berlin.

Tại thị trường trong nước, hệ thống phân phối của Sabeco trải rộng khắp 64 tỉnh, thành phố với hơn 800 nhà phân phối cấp 1; 5.320 nhà phân phối cấp 2 và 31.000 điểm bán lẻ.

Nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Sabeco, ông Võ Thanh Hà, cho biết, đơn vị này đã và đang quyết liệt tái cấu trúc hệ thống quản trị, áp dụng các cách thức, chuẩn mực quản trị tiên tiến.

Riêng đối với các khâu cốt lõi trong chuỗi giá trị được tối ưu hóa, công nghệ sản xuất hiện đại hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển thương hiệu.

Về cơ cấu tổ chức, Sabeco không ngừng hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả quản trị để đáp ứng mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường nội địa cũng như quốc tế.

Dẫn chứng cho quá trình đổi mới, ông Võ Thanh Hà cho hay, Sabeco chính thức lên sàn HOSE trong bối cảnh thuận lợi, với kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, định hướng chiến lược của Hội đồng quản trị Sabeco đã xác định vấn đề tái cấu trúc là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này, nhằm tạo cho doanh nghiệp hình ảnh mới, chuyên nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn.

Tất cả các mặt trận về sản xuất, kinh doanh, đầu tư đang được Sabeco chủ động đánh giá, sắp xếp, hướng đến vận hành đồng bộ và phát triển bền vững.

Ban Lãnh đạo Sabeco xác định song song với duy trì tính ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường nội địa, công tác xuất khẩu cần được chú trọng; trong đó, Sabeco đã đưa ra mục tiêu thâm nhập nhiều thị trường quốc tế hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Võ Thanh Hà nhấn mạnh, với một kế hoạch và chương trình hành động dài hạn mà Ban Lãnh đạo và tập thể cán bộ công nhân viên của Sabeco đã đề ra. Sabeco kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong tại Việt Nam và vươn tầm ra thế giới.

Ngày 6/12 vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức niêm yết 641.281.186 cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán SAB và mức giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 110.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy mới lên sàn trong vài ngày, nhưng trong các phiên giao dịch cổ phiếu SAB đã nhận được nhiều tín hiệu tốt của thị trường cũng như thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch sáng 8/12, cổ phiếu SAB tiếp tục tăng trần đạt mức giá 151.000 đồng.

Lý giải nguyên nhân cổ phiếu SAB tăng trần, các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tự do chuyển nhượng cổ phiếu này trên sàn rất hẹp, ước tính là 5,41%, tương ứng với 34,69 triệu cổ phiếu. Hiện tại, Bộ Công Thương và Heineken là hai cổ đông lớn nhất tại Sabeco, nắm giữ lần lượt 89,59% và 5% cổ phần, tương đương với 606,59 triệu cổ phiếu.

Theo kế hoạch, sau khi niêm yết, nhà nước dự kiến sẽ thoái 53,59% vốn điều lệ của Sabeco trong năm 2016, phần 36% còn lại sẽ tiến hành trong năm 2017. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco là 49%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục