Sai phạm trong việc chuyển đổi nhà, đất công tại Đà Nẵng: Bài 1 – Ngổn ngang trăm mối

08:29' - 09/03/2019
BNEWS Việc cho phép chuyển đổi các cơ sở nhà, đất công sang mục đích khác còn bộc lộ nhiều thiếu sót, cần được chấn chỉnh, khắc phục.

Trong thời gian từ năm 2010 đến 2016, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng triển khai các dự án để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nên thành phố phải thu hồi, chuyển đổi nhiều diện tích đất công và cơ sở nhà đất công sang mục đích khác. 

Thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Tuy nhiên, qua thanh kiểm tra đã phát hiện tình trạng sai phạm trong việc chuyển đổi, nhà đất công sản gây hệ lụy khó khắc phục. 

Đà Nẵng là thành phố nằm ở vị trí trung độ của đất nước, có vị trí trọng yếu về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cửa ngõ chính ra biển Đông của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Đà Nẵng có diện tích tự nhiên 1.284 km2, gồm 8 quận, huyện (trong đó có 1 huyện đảo), vói 56 xã, phường, thị trấn; dân số 1.029.000 người (theo điều tra dân số năm 2015), mật độ dân số 814 người/km2.
Thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Đà Nẵng đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm, cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế, làm thay đổi bộ mặt của thành phố.

Tốc độ kinh tế tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm nhưng cũng trên mức bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội… thành phố phải thu hồi, chuyển đổi nhiều diện tích đất công và cơ sở nhà đất công sang mục đích khác.

Việc cho phép chuyển đổi các cơ sở nhà, đất công sang mục đích khác còn bộc lộ nhiều thiếu sót, cần được chấn chỉnh, khắc phục.
Trong giai đoạn từ năm 2010-2016 (giai đoạn mà các ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng), trên địa bàn Đà Nẵng đã thực hiện việc chuyển đổi đối với 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác.

Trong đó, bán lại cho bên thuê 31 cơ sở, bán đấu giá 8 cơ sở và bán trực tiếp 8 cơ sở; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5 cơ sở.
Đối với 31 cơ sở nhà đất bán lại cho bên thuê có tổng diện tích nhà là 3.537,70m2, diện tích đất là 26.472,3m2; tổng số tiền ngân sách nhà nước thu được là hơn 424 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ kiểm tra 31 cơ sở nhà đất bán lại cho bên thuê phát hiện có 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, song UBND thành phố Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê.

Những cơ sở nhà đất này nằm trong 10 cơ sở nhà đất Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ, kết quả xác minh ban đầu để Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ.
Đối với 8 cơ sở nhà đất bán trực tiếp, có 4 cơ sở nhà đất do các cơ quan, đơn vị sử dụng không đúng mục đích, không còn nhu cầu sử dụng, UBND thành phố có quyết định bán cho các đơn vị chưa có trụ sở làm việc theo quy định tại Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 sửa đổi bổ sung Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; còn lại 4 cơ sở là các khu tập thể xuống cấp, UBND thành phố có quyết định bán cho các đơn vị có khả năng đầu tư cải tạo, xây dựng mới chung cư để bố trí tái định cư và một phần kinh doanh thu hồi vốn.

Tổng diện tích nhà 2.103,57m2, diện tích đất 3.145,9m2 với tổng số tiền ngân sách thu được là hơn 135,394 tỷ đồng.
Qua kiểm tra 4 cơ sở là các khu tập thể xuống cấp, cơ quan chức năng phát hiện có 2 cơ sở được UBND thành phố Đà Nẵng bán trực tiếp để sử dụng vói mục đích thương mại dịch vụ không phù hợp với mục tiêu ban đầu như đã nêu trên (số 124 Bạch Đằng và số 10 Trần Quý Cáp) nhưng không thông qua đấu giá là vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ năm 2010 đến 2016, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức bán đấụ giá 8 cơ sở nhà đất. Các cơ sở này trước đây đã bố trí cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng, nhưng do dôi thừa hoặc sử dụng không đúng mục đích, thành phố thu hồi và cho phép tổ chức bán đấu giá (diện tích nhà 4.745,40m2, dỉện tích đất 1.919,60m2) với tổng số tiền thu về ngân sách (sau đấu giá) là hơn 123,375 tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra các cơ sở nhà đất được bán đấu giá theo quy định thấy số tiền thu được chênh lệch tăng cao so với giá khởi điểm, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Cũng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2016, thành phố Đà Nẵng đã cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi đối với 5 cơ sở nhà đất.

Qua kiểm tra 5 cơ sở nhà đất nêu trên thấy việc UBND thành phố Đà Nẵng cho thuê đất 50 năm thấp hơn giá khởi điểm để đấu giá đã được thành phố phê duyệt trước đó là không phù hợp theo quy định.
Doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Trong việc kinh doanh thì việc cạnh tranh về giá cả là cực kỳ quan trọng. Cũng là doanh nghiệp nhưng chúng tôi không được “ưu ái” về mua đất làm văn phòng cũng như giảm giá thành khi mua, nhận chuyển nhượng đất đai, nhất tại các vị trí đắc địa.

Lãnh đạo thành phố thời kỳ đó đã sai, chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm xử lý đúng người đúng tội, đồng thời có cơ chế tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, sòng phẳng để cùng cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp khác.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 52 cơ sở nhà đất có vị trí đắc địa ở thành phố Đà Nẵng được bán, chuyển sang mục đích sử dụng khác, có 8 cơ sở nhà đất bên thuê được mua không thông qua đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"). Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê (Công ty TNHH Minh Hưng Phát đối với cơ sở nhà đất 47 Nguyễn Thái Học và số 2 Hải Phòng, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc đối với cơ sở nhà đất 39 Pasteur và 73 Nguyễn Thái Học).

Việc UBND thành phố Đà Nẵng bán 4 cơ sở nhà đất trên cho bên thuê không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai”...
Trước những sai phạm trên, vào tháng 4/2018, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229, Bộ Luật Hình sự năm 2015; ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219, Bộ Luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229, Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Điểu, Trần Văn Toán, Lê Cảnh Dương… để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sai phạm thì đã rõ, tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận ra một số nguyên nhân như sau: cá nhân, tổ chức được giao thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đã không thực hiện đầy đủ hoặc chưa đúng các nội dung, điều kiện theo quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; thông báo mời đấu giá nêu không đúng mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt; một số cá nhân có biểu hiện buông lỏng quản lý trong việc chuyển nhượng tài sản công…
Sai phạm đã xảy ra, những cá nhân liên quan đến sai phạm đang bị cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hậu quả để lại cho thành phố Đà Nẵng là vô cùng nặng nề, cần có sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng cùng chung sức chung lòng, cộng với đó là sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương trong việc giải quyết hệ lụy từ những sai lầm lịch sử để lại./.
(Bài 2 - Nỗ lực khắc phục)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục