Sân bay quốc tế trị giá 6,5 tỷ euro của Đức chính thức hoạt động

07:42' - 01/11/2020
BNEWS Ngày 31/10, sân bay BER với tên đầy đủ là Berlin-Brandenburg Willy Brandt đã chính thức đi vào hoạt động
Sau hơn 3.000 ngày hoãn khai trương, ngày 31/10, sân bay BER với tên đầy đủ là Berlin-Brandenburg Willy Brandt đã chính thức đi vào hoạt động và chuyến bay đầu tiên đã hạ cánh xuống sân bay mới của thủ đô nước Đức lúc 14 giờ cùng ngày.             

Phóng viên TTXVN tại Berlin cho biết do thời tiết xấu không đảm bảo tầm nhìn nên hai máy bay không thể cùng hạ cánh xuống BER theo kế hoạch. Chiếc Airbus 320 của hãng hàng không Easyjet mang số hiệu 3110 khởi hành từ sân bay Tegel, là chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống BER, ngay sau đó là chuyến bay của Lufthansa khởi hành từ München.

Hiện trong số 5 nhà ga theo thiết kế mới có Nhà ga số 1 - nhà ga chính và là lớn nhất của sân bay BER, và nhà ga số 5 nằm trên nền sân bay cũ Schönefeld, đi vào vận hành. Các nhà ga còn lại, trừ nhà ga số 2 đã hoàn thiện, chưa rõ khi nào sẽ hoàn thiện và đi vào vận hành. Một tuần sau khi BER đi vào hoạt động, vào ngày 8/11, sân bay Tegel sẽ đóng cửa, trong khi sân bay Schönefeld sẽ sáp nhập vào sân bay mới, và có mã sân bay là BER, thay cho hai mã cũ SXF (Schönefeld) và TXL (Tegel).             

Sân bay BER được làm lễ động thổ từ năm 2006 và theo kế hoạch ban đầu, ngày khai trương đầu tiên là vào 30/10/2011, tuy nhiên sau đó liên tiếp 5 lần bị hoãn. Nếu tính cả thời gian lập kế hoạch, BER đã mất hơn 20 năm cho tới khi đi vào vận hành.

Tổng diện tích sân bay BER theo thiết kế rộng 1.470 ha, tương đương với 2.000 sân bóng đá và là sân bay lớn thứ ba ở Đức, sau Frankfurt/Main và München. Với ba nhà ga đã hoàn thiện, BER có thể đón nhận tối đa 45 triệu lượt khách/năm.

Tuy nhiên do dịch COVID-19, lượng hành khách đã giảm 70% và sân bay mới chỉ vận hành hai nhà ga. BER được làm từ 1,3 triệu m3 bê tông với hai đường băng song song cùng tháp quan sát cao 72 mét.

Chi phí xây dựng sân bay từ 1,7 tỷ euro theo dự kiến ban đầu đã đội lên 6,5 tỷ euro sau khi hoàn thiện. Do đội vốn quá cao cùng việc thời gian xây dựng phải kéo dài do mắc nhiều lỗi trong quá trình thi công, xây dựng, nhiều quan chức đã bị liên đới và phải từ chức.

Chính phủ liên bang Đức nắm giữ 26% cổ phần của sân bay mới, trong khi hai bang Berlin và Brandenburg mỗi bên nắm 37% số cổ phần còn lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục