Sản phẩm OCOP 36 tỉnh, thành có mặt tại Trung tâm đặc sản vùng miền Việt Nam

08:00' - 25/08/2024
BNEWS Trung tâm đặc sản các vùng miền Việt Nam được đánh giá là kênh xúc tiến quảng bá tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP và tiến tới đưa sản phẩm OCOP, đặc sản các tỉnh tiếp cận thị trường Campuchia.

Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch, nông nghiệp sẽ được Công ty TNHH Tứ Sơn (thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) chính thức khánh thành đưa vào hoạt động ngày 28/8 để phục vụ người dân và khách du lịch. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, thúc đẩy ngành du lịch An Giang phát triển.

 

Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam- Du lịch, nông nghiệp được Công ty TNHH Tứ Sơn đầu tư xây dựng trên diện tích 30.000 m2, trong đó diện tích xây dựng trung tâm là 16.800 m2 với kinh phí xây dựng khoảng 96 tỷ đồng.

Trung tâm gồm các khu chức năng trưng bày, giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của 35 tỉnh, thành trong cả nước như: Khu đặc sản vùng miền Việt Nam, sản phẩm OCOP các tỉnh, thành; khu phố đi bộ về đêm tổng hợp, phố hàng rong; khu cửa hàng sản phẩm dịch vụ du lịch, khu ẩm thực Việt Nam, khu bán các sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp và khu tổ chức sự kiện...

Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Sơn cho biết: Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam- Du lịch, nông nghiệp là trung tâm đầu tiên trên cả nước giới thiệu, bày bán sản phẩm OCOP của 36 tỉnh, thành trong cả nước với 350 sản phẩm OCOP từ 1 đến 4 sao và trên 500 sản phẩm đặc sản các vùng miền Việt Nam. Trong đó sản phẩm OCOP sẽ chiếm 70%. Sự kiện sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của 36 tỉnh, thành có mặt trên kênh phân phối của trung tâm là quá trình 15 năm Tứ Sơn xem xét, tuyển chọn qua các phiên chợ hàng Việt, ngày hội sản phẩm OCOP do phía siêu thị Tứ Sơn tổ chức.

Theo ông Sơn: Sau hơn 10 ngày trung tâm mở bán, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh, thành trong cả nước được người tiêu dùng An Giang và khách du lịch đón nhận tích cực. Điển hình như các đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình như: bánh cốm, bánh dẻo…; bánh tráng, muối tôm Tây Ninh; các sản phẩm từ sen Đồng Tháp… luôn trong tình trạng cháy hàng do được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Hiện 35 tỉnh, thành có sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền bày bán tại trung tâm như: Trà Vinh, Bến Tre, Hà Nội, Cà Mau, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… Trung tâm đặc sản các vùng miền Việt Nam được đánh giá là kênh xúc tiến quảng bá hiệu quả tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm OCOP, đặc sản các tỉnh và tiến tới đưa sản phẩm OCOP, đặc sản các tỉnh tiếp cận thị trường Campuchia.

Thành phố Châu Đốc có vị trí địa kinh tế đặc biệt, trong đó thương mại dịch vụ chiếm 80% cơ cấu kinh tế của thành phố. Với lợi thế là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang nên lượng khách du lịch đến thành phố tăng mạnh qua từng năm. Năm 2023, lượt khách tham quan đến TP. Châu Đốc đạt 5,26 triệu lượt, so cùng kỳ tăng 30,36%, đạt 128,29% so kế hoạch năm.

Tuy nhiên, hiện tỷ lệ khách đến Châu Đốc lưu trú rất ít, chỉ chiếm 1,2% trong tổng lượng khách đến Châu Đốc du lịch và chỉ có 17% du khách chi tiêu mua sắm hàng hoá tiêu dùng mang về; mỗi du khách đến Châu Đốc chi tiêu chỉ có 800.000 đồng/người.

Với tiềm năng phát triển du lịch của Châu Đốc còn rất lớn. Vì vậy, việc Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam- Du lịch, nông nghiệp được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch Châu Đốc phát triển và góp thêm một sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân du khách khi đến Châu Đốc, An Giang.

Dự án Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam - Du lịch, nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đánh giá cao khi đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm phân phối, giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh, thành; đặc sản vùng miền đến tận tay khách du lịch trong và ngoài nước. Việc Trung tâm đặc sản các vùng miền Việt Nam- Du lịch, nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động tập hợp đặc sản vùng miền, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP… sẽ tạo ra sản phẩm du lịch tiêu dùng phục vụ cho phát triển du lịch, giữ chân du khách khi đến An Giang. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục