Sản xuất toàn cầu đang phục hồi nhưng sức ép về giá vẫn tăng​

06:45' - 29/04/2021
BNEWS Hoạt động sản xuất tại châu Âu và châu Á đã giúp tăng sản lượng trong tháng 3 vừa qua, khi lượng cầu phục hồi vững chắc.

Tuy nhiên, giá cả hàng hóa vẫn còn cao trong khi các chuỗi cung ứng bị ngắt quãng đặt ra nhiều thách thức và càng khiến giá cả cao hơn.

Một loạt cuộc thăm dò cho thấy tâm lý lạc quan của thị trường rằng các chiến dịch tiêm chủng đại trà, cũng như sự tăng trưởng mạnh ở các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc, sẽ giúp các nền kinh tế phục hồi sau khi suy giảm mạnh trong năm 2020.

Tăng trưởng hoạt động sản xuất hằng tháng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3 đã đạt mức cao nhất trong gần 24 năm.

Nhưng các chuỗi cung ứng bị ngắt quãng và việc một số nước tái áp đặt phong tỏa trong khu vực có thể ảnh hưởng tới đà tăng này.

Theo thăm dò của hãng dịch vụ và thông tin tài chính của Anh - IHS Markit, chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã tăng từ mức 57,9 trong tháng 2 lên mức 62,5 trong tháng 3, cao hơn dự báo 62,4 và là mức cao nhất kể từ khi công ty này bắt đầu tiến hành thăm dò tháng 6/1997.

Chuyên gia kinh tế của Oxford Economics, bà Maddalena Martini nhận định lĩnh vực sản xuất trong Eurozone một lần nữa cho thấy khả năng chống chịu tốt sau làn sóng tái áp đặt phong tỏa ở nhiều nước để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sản xuất đã tăng với tốc độ nhanh nhất. Trong khi Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai, đã đạt mức tăng chưa từng thấy kể từ khi mạng Internet bùng nổ.

Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu đang phải trải qua làn sóng lây nhiễm thứ ba hoặc tiến độ tiêm vaccine diễn ra chậm chạp.

Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, đặc biệt khi kênh đào Suez vừa phải đóng cửa trong 1 tuần liền đã đẩy giá đầu vào tăng cao và khiến thời gian vận chuyển của các nhà cung ứng bị kéo dài chưa từng thấy.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng kiến tăng trưởng mạnh của hoạt động sản xuất trong tháng 3 nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài ổn định.

Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế của IHS Markit, cho biết: "Các nhà sản xuất của Hàn Quốc tiếp tục lạc quan khi các chiến dịch tiêm phòng được triển khai và nhu cầu sản phẩm mới tăng cao".

Chỉ số PMI của Hàn Quốc giữ vững ở mức 55,3 với việc các hoạt động kinh tế tăng tháng thứ 6 liên tiếp.

Chỉ số PMI của Jibun Bank Japan tăng từ 51,4 trong tháng 2 lên 52,7 trong tháng 3, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2018.

Chỉ số tương tự ở Indonesia và Việt Nam đều tăng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục